Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao rời Hà Nội, lên đường dự hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh từ 31/10-3/11; thăm chính thức Pháp từ 3-5/11 theo lời mời của Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Pháp Jean Castex.

Giáo sư Phạm Quang Minh - chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế chia sẻ một số nhìn nhận về chuyến công du.

Để thế giới hiểu rõ cam kết của Việt Nam

Giáo sư nhận định ra sao về việc Việt Nam tham dự COP26?

COP26 là sự kiện quốc tế lớn quan trọng hàng đầu được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia hành động khẩn trương và mạnh mẽ.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự COP26, thăm làm việc tại Vương quốc Anh, thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Ảnh: VGP

Tôi cho rằng, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao tham dự hội nghị khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc đóng góp một cách trách nhiệm vào những nỗ lực chung toàn cầu, cụ thể ở đây là ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh…

Đây cũng là cơ hội tốt để bày tỏ quan điểm về biến đổi khí hậu khi nước ta là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ nhất. COP26 là diễn đàn có tính chất quan trọng bậc nhất, mang tính toàn cầu về một mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Tham dự hội nghị, chúng ta sẽ làm cho thế giới hiểu được chủ trương, đường lối, cam kết của Việt Nam trong nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia khác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, COP26 năm nay sẽ có sự tham dự trực tiếp của hơn 120 nguyên thủ. Ngoài ra, có Tổng thư ký LHQ cùng lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế và thể chế tài chính quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia và tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn, tổng số khoảng 30.000 đại biểu tham dự.

Như vậy, lãnh đạo Việt Nam sẽ có rất nhiều cuộc gặp song phương bên lề để tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác.

Vì chúng ta cần nhau

Cùng với việc tham dự COP26, Thủ tướng sẽ thăm làm việc tại Anh, thăm chính thức Pháp. Giáo sư có kỳ vọng gì về các chuyến thăm này?

Anh và Pháp đều có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Đây cũng là hai quốc gia hàng đầu châu Âu có bề dày quan hệ với chúng ta. Các bên không chỉ có dịp nhìn lại những thành tựu đạt được trên chặng đường đã qua mà còn cùng nhau hướng tới một tương lai phát triển mạnh mẽ.

{keywords}
COP26 là sự kiện quốc tế lớn quan trọng hàng đầu được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm

Đặc biệt, Anh bày tỏ mong muốn thông qua Việt Nam để tăng cường quan hệ với khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh nước này đã rời Liên minh châu Âu. Anh tham gia hiệp ước Hợp tác và hữu nghị Đông Nam Á từ năm 2012. 

Anh đã cử Đại sứ kiêm nhiệm tại ASEAN từ năm 2015, cử Đại sứ chuyên trách và lập Phái đoàn tại ASEAN từ tháng 11/2019. Nước này đang từng bước thúc đẩy quan hệ hợp tác và trao đổi giữa hai bên. 

Kim ngạch thương mại ASEAN - Anh đạt 47,18 tỷ USD/năm và Anh là nhà đầu tư lớn thứ 8 của ASEAN. Nước này đã nộp đơn trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN (6/2020), xin làm quan sát viên tại ADMM+ và được chấp thuận trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN (8/2021).

Ngày 16/9 vừa qua, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức họp báo trực tuyến thông báo việc thiết lập Quan hệ đối tác an ninh tăng cường 3 bên (AUKUS).

Sáng kiến nhằm tăng cường năng lực của mỗi nước, bảo đảm các lợi ích an ninh và quốc phòng, trong đó có duy trì an ninh và ổn định tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì vậy, sự hiện diện của Anh trong thời gian tới ở khu vực này là rất quan trọng.

London cũng đề nghị tham gia hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Việc trở thành thành viên của CPTTP sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thương mại của quốc gia này với khối, đồng thời giúp bổ trợ cho các hiệp định tự do thương mại mà Anh đã ký với Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Việt Nam sau khi rời EU.

Có thể nói rằng, giữa Việt Nam và Anh còn rất nhiều dư địa cho sự hợp tác toàn diện về chính trị, kinh tế, hay các vấn đề an ninh…

Khẳng định vị thế quan hệ song phương

Với Pháp, tôi được biết trước thềm chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery trong cuộc trao đổi với báo chí đã nhấn mạnh, chuyến thăm này thể hiện vai trò, vị thế của quan hệ song phương và khu vực ở cả hai bên.

Pháp đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao với quy chế lễ tân cao nhất. Nhiều dự án quan trọng được chờ đợi sẽ ký kết giữa 2 nước.

Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam. Tính đến tháng 7, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong 140 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 605 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,6 tỷ USD. 

Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á.

Về an ninh quốc phòng, Pháp là nước phương Tây đầu tiên có Tùy viên Quốc phòng tại Việt Nam (1991). Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này ngày càng phát triển. Năm 2018, hai nước đã ký Thỏa thuận sửa đổi hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028.

Các lĩnh vực hợp tác song phương về y tế, văn hoá du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ… đều phát triển mạnh.

Tóm lại, Pháp và Việt Nam có cơ sở vững chắc để tin tưởng vào mối quan hệ tương lai xán lạn, nhấn mạnh tới tính hiệu quả và thực chất.

Cuối cùng, Việt Nam vừa trải qua giai đoạn giãn cách kéo dài và đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tôi cho rằng, một vấn đề khác đặt ra trong chuyến công du của Thủ tướng lần này là truyền đi thông điệp: Việt Nam đang trở lại trạng thái bình thường mới.

Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vắc xin của 72 quốc gia, chúng ta và khu vực Đông Nam Á đang dần mở cửa một cách thận trọng và an toàn. Ngoại giao vắc xin cũng là tâm điểm bởi chúng ta vẫn cần nguồn vắc xin lớn để tiêm chủng cho trên 70% dân số nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.

Thái An

Lũ lụt, biến đổi khí hậu và thủy điện

Lũ lụt, biến đổi khí hậu và thủy điện

Thiên tai, mưa lũ tàn phá mấy tỉnh miền Trung ở cấp độ kỷ lục, kéo dài suốt từ ngày 6/10/2020.