“Lúc mở ngăn kéo bàn làm việc của ông, mọi người trong gia đình đều trào nước mắt khi tìm thấy một cuốn sổ tiết kiệm duy nhất mang tên ông nhưng số tiền thì quá nhỏ”.
LTS: Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của cố Tổng Bí thư Trường Chinh (30/9/2018), trân trọng gửi đến độc giả bài viết dưới đây như nén hương tưởng nhớ một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách lớn.
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu (1907-1988), vốn người thuộc dòng tộc họ Trần của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Điều này có lẽ không nhiều người biết.
Theo cuốn Trường Chinh, Tiểu sử (NXB Chính trị Quốc gia, 2007), ông Trường Chinh là hậu duệ đời thứ 11 của cụ Đặng Chính Pháp, người thuộc dòng tộc Trần Lâm (sau đổi thành Đặng Trần Lâm) ở Chương Mỹ, Hà Nội.
Tìm hiểu thêm thì được biết, cụ Đặng Trần Lâm là con trai của tiến sĩ Trần Văn Huy, cháu Trần Quốc Hiệu, (tức Hưng Trí Vương) là con trai thứ tư của Trần Hưng Đạo. Lý do đổi họ là bởi 2 lần họ Trần bị truy sát vì tội tạo phản (lần đầu khoảng năm 1.400, lần hai vào năm 1.511).
Tổng Bí thư Trường Chinh (người đứng giữa) với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ảnh: Tư liệu/ Báo Biên phòng |
Có một sự trùng hợp đến kỳ lạ, ấy là ngày mất của Trường Chinh (20 tháng Tám âm lịch năm Mậu Thìn, tức 30/9/1988) cũng trùng với ngày mất của Trần Hưng Đạo 688 năm trước đó (năm Canh Tý, 1.300). Đây dường như một mối nối kết kỳ lạ giữa 2 nhân vật kiệt xuất trong một dòng tộc của nhà Trần ở hai thời đại khác nhau.
Trần Hưng Đạo, một nhân cách vĩ đại của lịch sử dân tộc, đã để lại cho hậu thế những di sản, những chiến công thật tự hào. Trong đó không thể không kể đến tư tưởng lớn của ông: “Khoan thư sức dân là kế sâu rễ bền gốc, là thượng sách để giữ nước!”
Và rồi, hậu duệ của Người, Tổng Bí thư Trường Chinh, cũng đã đi vào lịch sử hiện đại của dân tộc trong vai trò nhà lãnh đạo kiệt xuất, luôn tâm niệm “lấy Dân làm gốc”.
Cuốn sổ tiết kiệm trong ngăn kéo
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh bị tai nạn bất ngờ, trượt chân ngã tại cầu thang trong nhà công vụ ở số 3, phố Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội rồi đi xa mãi mãi. “Lúc mở ngăn kéo bàn làm việc của ông, mọi người trong gia đình đều trào nước mắt khi tìm thấy một cuốn sổ tiết kiệm duy nhất mang tên ông nhưng số tiền thì quá nhỏ”. Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, con trai cả của ông Trường Chinh nhớ lại.
Trong cuốn sổ đó chỉ còn có 3.000 đồng. Đó cũng chính là số tiền còn lại của khoản nhuận bút sau khi ông đã sử dụng một phần chi làm quà cho bạn bè, rồi những nơi từng là cơ sở hoạt động cách mạng cũ của ông, một phần cho thư ký giúp việc và một phần nhỏ ông dành cho gia đình.
Vào thời điểm tháng 9/1988, một khoản tiền 3.000 đồng to nhỏ ra sao? Vô tình, đó đúng là tháng đầu tiên tôi được Ban bí thư Trung ương Đoàn điều đi học dài hạn 2 năm (khoá 1988-1990) tại Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Chúng tôi là quân số cắt hẳn đi học nên chỉ được nhận lương cứng ở cơ quan. Vì thế, để động viên tinh thần và trợ giúp khó khăn, cánh học viên như chúng tôi được nhận thêm một khoản phụ cấp là 5.200 đồng/tháng (26 ngày học x 200 đ/ ngày) từ Ban Tài chính Quản trị Trung ương. Nó tương đương với 20 gói mỳ tôm lúc đó (260 đ/gói).
“Vâng, chỉ có 3.000 đồng, nhưng điều to lớn mà cha tôi để lại không phải ở số tiền 3.000 đồng đó”, GS Kỳ từng tâm sự.
Thực vậy, cái mà Tổng Bí thư Trường Chinh để lại cho gia đình, cho cuộc đời làm Cách mạng sau hai lần "đứng mũi chịu sào” dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vô cùng to lớn. Ông đã giữ trọng trách Tổng bí thư Đảng ta qua các thời kỳ, với đầy đủ các tên gọi của Đảng: Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây cũng chính là những thời điểm khó khăn nhất của Cách mạng nước ta. Đó là lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân giành Độc lập Tự do cho dân tộc (1941-1956). Là khi Việt Nam tiến hành sự nghiệp Đổi mới (1986), mà như ông đã phát biểu trong quá trình chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng VI, “đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề quan trọng mang tính sống còn”.
Cả cuộc đời và sự nghiệp Cách mạng đã hun đúc nên Tổng Bí thư Trường Chinh, “một nhà lãnh đạo kiệt xuất” với “nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của Cách mạng” (trích Điếu văn do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ truy điệu ông).
Ông là con người của Đổi mới, là “tác giả của Đổi mới”, hay nói chính xác hơn thì phải là “Chủ biên” của Đổi mới (các từ trong ngoặc kép đều là từ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết trong bài Đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư của Đổi mới (NXB Chính trị Quốc gia, năm 2002, trang 40) . Ông Võ Văn Kiệt, trong một bài viết khác, còn gọi Trường Chinh “là vị Tổng công trình sư của công cuộc Đổi mới”.
Tôi rất thấm thía với những lời đầy xúc động trong bài phát biểu của nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Hoàng Tùng, tại lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trường Chinh (ngày 8/2/2007). “Ông Trường Chinh không có của cải gì ngoài mấy bộ sách. Tất cả gia tài của Ông còn lại bây giờ chỉ là mấy bộ sách, không có gì cả. Công lao và di sản của Ông to lớn và quý báu bên cạnh kho tàng di sản của Hồ Chí Minh. Ông ra đi nhẹ nhàng như một chuyến đi xa. Một dân tộc anh hùng, cao thượng, ắt sinh ra con người cao thượng và anh hùng như Trường Chinh. Dân tộc ta, văn hoá Việt Nam đã sinh ra những con người như Trường Chinh”.
Tất nhiên, con người ta sống ở đời đều “nhân vô thập toàn”, họa chăng không làm gì thì mới không mắc sai lầm, khuyết điểm. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh cũng vậy. Trong Cải cách ruộng đất mà Đảng tiến hành năm 1953, Bác Hồ cùng tập thể Thường vụ Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã tự kiểm điểm và nhận trách nhiệm do mắc phải những sai lầm đáng tiếc. Là trưởng ban cải cách ruộng đất, “trước sai lầm nặng nề của cải cách ruộng đất, Trường Chinh nghiêm khắc tự phê bình và xin từ chức Tổng Bí thư”[1].
Nếp nhà cổ xưa của các cụ thân sinh ra cố Tổng Bí thư Trường Chinh nay trở thành nhà lưu niệm. |
Thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng thời ông Trường Chinh cũng đã để lại cho hậu thế biết bao tấm gương những nhà lãnh đạo sống thanh liêm, giản dị. Đương nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hình ảnh mẫu mực để họ cùng noi theo. Đó là Tổng Bí thư Lê Duẩn, là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, là Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng...
Tôi từng có một kỷ niệm rất đặc biệt trong nghề báo. Năm 1993, tôi được vinh hạnh đến gặp nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng để xác minh trực tiếp thêm lần nữa một chuyện ông thổ lộ với một cộng sự ở Văn phòng Chính phủ là anh Trần Hà, người có 20 năm làm vụ trưởng của Văn phòng Chính phủ, rằng ông không có nổi 2 chỉ vàng để tặng cô con dâu mình khi con trai duy nhất của ông, anh Phạm Sơn Dương lấy vợ.
Ông Phạm Văn Đồng nói đúng là có việc đó. Thế nhưng khi tôi về và đang viết dở thì “bị” ông cho anh Năng, thư ký riêng điện trực tiếp cho tôi, nhắc tôi đừng viết chuyện ấy lúc này vì không có mấy người hiểu được. Tôi đành im lặng và chỉ viết ngay khi ông qua đời.
Đã qua ba thập kỷ ngày Tổng Bí thư Trường Chinh rời cõi trần. Nhưng hẳn rằng những bài học từ cuộc đời ông, vị Tổng bí thư mẫu mực liêm khiết, người học trò xuất sắc và bạn chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như nhiều lãnh đạo cùng thời ông hẳn không bao giờ cũ. Vì ở thời nào đi nữa, có giữ gìn đạo đức cách mạng bằng hành động, bằng chính cuộc đời mình, người lãnh đạo mới có thể khiến dân tin và yêu.
Quốc Phong
-----
[1] Trường Chinh - Thân thế và sự nghiệp (Kỳ 11); tác giả: Hoàng Tùng, Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Báo Nam Định, 21/02/2017.
Tổng Bí thư Trường Chinh - người đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới
Tháng 12/1986, từ Hội trường Ba Đình, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa…”.
Nhà thơ Việt Phương đã được cứu nhờ Tổng bí thư Lê Duẩn
Cuốn Cửa mở chuyền tay nhau đến nhàu đã tới được tay TBT Lê Duẩn. Bấn bíu việc công như thế mà TBT đã dành thời giờ đọc.
Tiêu chuẩn cho lãnh đạo cấp cao: Bước đi quan trọng để kiện toàn bộ máy
Tiêu chuẩn cho lãnh đạo cấp cao là một bước đi quan trọng để kiện toàn bộ máy, đặt nền móng vững chắc cho kế hoạch phát triển dài hạn của đất nước.