Tháng 12/1986, từ Hội trường Ba Đình, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa…”.
Cũng từ đường lối đổi mới của Đại hội VI do Tổng Bí thư Trường Chính đặt nền móng, đất nước đã vượt qua được khó khăn và vươn lên đạt được những thành tựu hết sức to lớn.
Đổi mới là yêu cầu bức thiết
Tổng Bí thư Trường Chinh |
Theo ông Võ Đại Lược, thành viên nhóm nghiên cứu của Tổng Bí thư Trường Chinh, đầu thập niên 80, kinh tế- xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nhu cầu thiết yếu của cuộc sống người dân về ăn, mặc, ở không được giải quyết đầy đủ. Lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút. “Tình hình lúc đó rất xấu, không thể tiếp tục sống mãi như vậy được nữa. Tuy nhiên, muốn đổi mới, xoá bỏ cơ chế cũ thì phải có mô hình mới. Phải có người khởi xướng, cầm trịch, và người đó chính là ông Trường Chinh”, ông Võ Đại Lược nói.
Cũng theo ông Lược, với quyết tâm đổi mới, nhìn thẳng vào sự thật, cuối tháng 11/1982, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông Trường Chinh đã quyết định hai việc đặt nền móng cơ bản cho sự hình thành tư duy đổi mới sau này. Một là, thành lập nhóm các nhà khoa học để nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn nước ta, làm căn cứ phương pháp luận cho việc xác định con đường, bước đi sắp tới trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
“Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa, nhằm vận dụng tốt chủ nghĩa Mác – Lê Nin vào hoàn cảnh nước ta; phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, động viên tính năng động, sáng tạo và khả năng vô tận của nhân dân lao động làm chủ tập thể để đồng thời đẩy mạnh ba cuộc cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Tổng Bí thư Trường Chinh phát biểu tại đại hội Đảng lần thứ VI |
Thứ hai là, tổ chức đi thực tế ở các địa phương trên cả ba miền đất nước. Hàng loạt chuyến đi từ năm 1983 đến 1985 giúp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh nhìn rõ sự thật. Đặc biệt, trong chuyến đi Đà Lạt (tháng 7/1983), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trường Chinh đã gặp và trao đổi với nhiều lãnh đạo các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Từ đó, ông nhận thấy vấn đề không chỉ là một vài cách thức quản lý kém hiệu quả, mà đã đến lúc phải xem lại cả hệ thống quan điểm về quản lý kinh tế. Về Hà Nội, ông lập tức mời nhiều nhà khoa học đến để nghe suy nghĩ của họ về phương hướng đổi mới.
Ông Võ Đại Lược cho biết, sau khi được thành lập, nhóm nghiên cứu thường xuyên họp với ông Trường Chinh. Toàn bộ các cuộc họp và thảo luận đi đến mấy nhận định cơ bản là, cơ chế kế hoạch tập trung bao cấp đến những năm 80 là không còn phù hợp cần phải xoá bỏ và chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần.
Đổi mới để sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm
Sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần, từ tháng 7/1986, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư. Theo ông Lược, lúc đó, các cơ quan cũng đã soạn thảo Dự thảo văn kiện để trình ra Đại hội VI theo quan điểm cũ, tức là nặng về tính kế hoạch, chỉ có chút ít tính thị trường. Khi xem xét Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội VI, Tổng Bí thư Trường Chinh và nhóm nghiên cứu nhận thấy dự thảo còn xa mới thể hiện được các quan điểm đổi mới, nhất là đổi mới tư duy kinh tế.
Cuối tháng 8/1986, Tổng Bí thư Trường Chinh đã chủ trì cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị bàn về các quan điểm kinh tế. Tại đây, các nhà lãnh đạo đi đến thống nhất trong cải tạo xã hội chủ nghĩa phải xác định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ, cho phép kinh tế tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, khi lấy kế hoạch là trung tâm, phải đồng thời sử dụng đúng đắn các quan hệ hàng hóa tiền tệ.
Với kết luận này, toàn bộ đường lối kinh tế của Việt Nam đã thay đổi. Trong đó đổi mới lớn nhất được xác định là xoá bỏ cơ chế kế hoạch tập trung bao cấp chuyển sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Trong hồi ký của mình, Tổng Bí thư Đỗ Mười nhận xét: Đồng chí Trường Chinh, là người đề xướng công cuộc đổi mới với nội dung khá toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, những ý kiến của đồng chí Trường Chinh đã được sự nhất trí rất cao của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng trên cơ sở đó, báo cáo chính trị đã được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản.
Để rồi, vào tháng 12/1986, từ Hội trường Ba Đình, trong diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa, nhằm vận dụng tốt chủ nghĩa Mác – Lê Nin vào hoàn cảnh nước ta; phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, động viên tính năng động, sáng tạo và khả năng vô tận của nhân dân lao động làm chủ tập thể để đồng thời đẩy mạnh ba cuộc cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
“Những bài phát biểu đó khi được trình bày tại Trung ương hay tại các hội nghị Đảng bộ ở các tỉnh, thành phố đều được hoan nghênh nhiệt liệt. Điều đó đáp ứng được nhu cầu bức thiết của đời sống xã hội đang đặt ra. Đây là thắng lợi lớn nhất về tư duy đổi mới mà Tổng Bí thư Trường Chinh là người khởi xướng”, ông Võ Đại Lược nói. Cũng theo ông Lược, từ những quyết sách quan trọng của Đại hội VI, đường lối đổi mới đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Văn Kiên/Tiền Phong