Ít ai nghĩ rằng 4 tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phát biểu trước một khán phòng toàn các lãnh đạo Hồi giáo.
Nhưng ông đã làm việc này ngày 21/5, khi đứng trước một sảnh đón tiếp rộng thênh thang ở Saudi Arabia và tuyên bố Hồi giáo là một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới, đồng thời kêu gọi lãnh đạo các nước Hồi giáo chống lại chủ nghĩa khủng bố. Cũng tại đây vào đêm 20/5, ông đã đung đưa theo các điệu nhạc với ca từ bằng tiếng Arab, chỉ một năm sau khi lên án nặng lời với Đạo Hồi, thậm chí ông còn thề cấm cửa tất cả người Hồi giáo vào nước Mỹ.
Có lẽ chuyến công du đầu tiên trên cương vị Tổng thống đã giúp ông Trump thấy rằng mọi chuyện nhìn từ bên ngoài thường không giống như nhìn từ bên trong ra. Đây là bài học mà hầu hết các tổng thốn đều rút ra dù sớm hay muộn.
Trong một thông điệp lớn gửi tới lãnh đạo hơn 50 quốc gia nơi đạo Hồi là tôn giáo chủ đạo, ông Trump đã tỏ ra gần hơn bao giờ hết với quan điểm chính thống về tầm ảnh hưởng của Mỹ ở nước ngoài, khác hoàn toàn với một người đàn ông từng tranh cử với giọng điệu nặng nề về an ninh và vai trò của Mỹ trên thế giới. Ông nói: “Tôi đại diện cho người dân Mỹ gửi tới các bạn một thông điệp bằng hữu và hy vọng và yêu thương. Tầm nhìn của chúng tôi hướng tới hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là một liên minh các quốc gia có chung mục đích đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan và tạo cho trẻ em một tương lai hy vọng”.
Quốc vương Saudi Arabia Salman đón Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Arab News |
Cứ như vậy, những bài phát biểu của ông Trump tại chặng dừng chân đầu tiên Saudi Arabia - đã khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Điểm đáng chú ý nhất là việc ông không hề nhắc tới là “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan”, thay vào đó, ông đã sử dụng một số cụm từ như “chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo”, hay “Hồi giáo” và “khủng bố Hồi giáo”. Thậm chí, ông còn khẳng định “đây không phải là một cuộc chiến giữa các nền văn minh, giữa các tôn giáo hay sắc tộc, mà là cuộc chiến giữa những tội phạm man rợ đang tìm cách phá hoại cuộc sống loài người với những con người đúng đắn, chính trực mà bất kể tôn giáo nào cũng đang tìm cách bảo vệ”.
Bài phát biểu hòa giải thân thiện của ông đã được các lãnh đạo Hồi giáo và Arab lắng nghe trong yên lặng, rất chăm chú. Hẳn nhiều người còn nhớ khi Tổng thống Barack Obama có bài phát biểu đầu tiên tới thế giới đạo Hồi tháng 9/2009, ông đã chọn một đối tượng là giới trẻ tại Đại học Cairo.
Xem ra, khác biệt lớn nhất cuối tuần qua là con người Donald Trump. Những lời nói của một Tổng thống Trump và ông Trump khi còn là ứng cử viên tổng thống, hoàn toàn khác nhau, nhất là về Hồi giáo. Thông điệp mà Tổng thống Trump gửi đi hôm ngày 21/5 khá gần với giọng của những người tiền nhiệm là Barack Obama và George W.Bush, hơn là những phát biểu khiến ai cũng phải giật mình khi ông tranh cử.
Đối với Tổng thống Donald Trump, chuyến công du nước ngoài đầu tiên có lẽ là một bài học về thực tế của công việc tổng thống: các thông điệp ngoại giao đối lập, các cấu trúc nghị định thư cứng nhắc, và có lẽ trên hết là việc kết bạn kiểu có đi có lại. Tiếp tục chuyến công du vùng Vịnh, Trung Đông và châu Âu, Tổng thống sẽ càng có thêm nhiều bài học thực tế trong bang giao chính trị.
Các phát ngôn khi tranh cử của ông tiếp tục được điều chỉnh khi ông đặt chân đến Israel, nơi ông nhận ra rằng chưa phải lúc phù hợp để chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem như cam kết. Tại Rome, ít khả năng ông sẽ nhắc lại cam kết cách đây một năm rằng Giáo hoàng Francis “phải hổ thẹn” vì chỉ trích các kế hoạch của ông xây tường ngăn cách với Mexico. Tại trụ sở Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, câu hỏi mở về khối này hẳn sẽ được giảm thiểu. Và tại NATO, bất cứ từ ngữ nào nói về sự lạc hậu hay lỗi thời của liên minh quân sự này đều đã được điều chỉnh.
Không thể phủ nhận, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump sẽ là cơ hội để các phát ngôn tranh cử đối mặt với thực tế toàn cầu. Học thuyết Trump đang dần mở ra khi ông tuyên bố: “Chúng ta sẽ ra quyết định dựa trên bài học kinh nghiệm trong thế giới thực, không phải trên các lý tưởng cứng nhắc”.
Thảo Linh