Tu Youyou trở thành người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên giành giải Nobel nhờ công trình nghiên cứu giúp chế tạo ra thuốc chống sốt rét. Con đường đến vinh quang của người phụ nữ 84 tuổi cũng khác thường so với nhiều nhà khoa học khác.

{keywords}
Bà Tu Youyou, 84 tuổi - chủ nhân giải Nobel Y học 2015

Mặc dù chiến thắng giải Nobel Y học nhưng bà không hề có bằng cấp y khoa hay bằng Tiến sĩ.

Tu Youyou từng theo học một trường dược ở Bắc Kinh. Không lâu sau, bà trở thành cán bộ nghiên cứu ở Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, bà hiện được gọi là người chiến thắng “3 không”: không bằng y khoa, không bằng Tiến sĩ và chưa từng làm việc ở nước ngoài.

Bà bắt đầu nghiên cứu về bệnh sốt rét sau khi đầu quân vào một cơ quan tối mật của Chính phủ được gọi là “Nhiệm vụ 523”.

Năm 1967, lãnh đạo Đảng Cộng sản Mao Trạch Đông quyết định cần phải tìm ra một phương pháp chữa trị cấp bách bệnh sốt rét trên cả nước. Một đơn vị nghiên cứu bí mật đã được thành lập để tìm giải pháp cho căn bệnh này.

Hai năm sau, bà Tu Youyou được bổ nhiệm trở thành người đứng đầu “Nhiệm vụ 523”. Bà được điều đến đảo Hải Nam để nghiên cứu về căn bệnh. Trong suốt 6 tháng, bà sống ở đây, bỏ lại cô con gái 4 tuổi ở một nhà trẻ địa phương. Thời điểm đó, chồng bà được cử đi công tác ở vùng xa trong thời gian đỉnh cao của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc.

{keywords}
Bà Tu Youyou thời trẻ đang làm việc cùng giáo sư người Trung Quốc Lou Zhicen

Từ khi bà bắt đầu tìm kiếm thuốc chữa sốt rét, hơn 240.000 hợp chất trên toàn thế giới đã được thử nghiệm mà không hề thành công.

Cuối cùng, nhóm của bà tìm thấy một tài liệu tham khảo cổ viết về một loại thảo mộc là cây ngải hoa vàng – thứ được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét ở Trung Quốc vào khoảng 400 năm trước Công nguyên.

Nhóm của bà đã tách một hợp chất hoạt động ở thảo dược này tên là artemsinin – chất này để đánh bại lại những ký sinh trùng hỗ trợ sốt rét. Sau đó, nhóm đã thử nghiệm chiết xuất của hợp chất nhưng không có hiệu quả cho tới khi bà Tu Youyou đọc lại tài liệu ban đầu. Sau khi nghiên cứu cẩn thận, bà đã tinh chỉnh công thức lần cuối, làm nóng chiết xuất mà không để nó đạt tới điểm sôi.

{keywords}
Bà Tu tìm ra thuốc chữa sốt rét nhờ nghiên cứu một văn bản cổ 

Sau khi thuốc cho thấy kết quả đầy hứa hẹn ở chuột và khỉ, bà Tu Youyou đã tình nguyện là người đầu tiên thử nghiệm loại thuốc mới.

“Là người đứng đầu nhóm nghiên cứu, tôi có trách nhiệm” – bà giải thích với truyền thông Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, bà Tu vốn được đánh giá là một người phụ nữ rất khiêm nhường. Công trình nghiên cứu của bà lặng lẽ được công bố vào năm 1977, và trong nhiều thập kỷ, bà nhận được rất ít sự công nhận cho những đóng góp của mình với “Nhiệm vụ 523”.

Năm 2009, bà xuất bản cuốn tự truyện nhìn lại sự nghiệp khoa học đời mình. Tuy nhiên, bà nhanh chóng bị tấn công bởi một số kẻ cho rằng bà ham danh tiếng mà lờ đi những đóng góp to lớn của bà.

Một bộ phận khác cho rằng đã có 2 nhà nghiên cứu khác từng phát hiện ra loại hợp chất chữa sốt rét trong cây ngải hoa vàng trước khi bà Tu tham gia “Nhiệm vụ 523”.

Tuy nhiên, bà là người đã tham khảo tài liệu cổ để nghiên cứu ra cách tốt nhất chiết xuất hợp chất này để sử dụng trong y học.

{keywords}
Bà từng nhận giải thưởng y học danh tiếng Lasker DeBakey vào năm 2011. Ảnh: Corbis

Dù trong bất cứ trường hợp nào, bà cũng luôn được ca ngợi vì những đam mê đã dành cho y học. Lianda Li – một đồng nghiệp cũ cho biết bà Tu là một người “khó gần và khá đơn giản”. “Nếu không đồng ý với điều gì đó, bà ấy sẽ nói ra”.

Một đồng nghiệp khác là ông Fuming Liao – người đã từng làm việc với bà Tu hơn 40 năm – thì đánh giá bạn mình là “một người phụ nữ mạnh mẽ và cứng đầu”.

Rõ ràng bà đủ “cứng đầu” để dành ra hàng thập kỷ nghiên cứu các văn bản cổ, rồi áp dụng chúng cho khoa học hiện đại. Kết quả là hàng triệu sinh mạng được cứu sống.

Giải thưởng Nobel Y học 2015 được trao cho 3 nhà khoa học: William Campbell (người Ireland), Satoshi Omura (người Nhật Bản) và bà Tu Youyou (người Trung Quốc).

Hai nhà khoa học William Campbell và Satoshi Omura được tôn vinh nhờ các phát hiện liên quan tới phương pháp điều trị chống lại các bệnh nhiễm trùng do giun tròn ký sinh gây ra, trong khi bà Youyou Tu được vinh danh về những phát hiện liên quan tới một phương pháp điều trị bệnh sốt rét.

Mỗi giải thưởng Nobel trị giá 960.000 USD sẽ được trao cùng với một huy chương và bằng chứng nhận. Hai nhà khoa học Campbell và Omura sẽ chia nhau một nửa giá trị giải thưởng, trong khi bà Tu nhận nửa giá trị giải thưởng còn lại.

  • Nguyễn Thảo (Theo BBC)