Sáng ngày 16/12/2021 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E, Cung Văn hóa Hữu nghị (Hà Nội) đã diễn ra hội thảo chuyên ngành với chủ đề "Chuyển đổi số - Kết nối chuỗi cung ứng bền vững".
Đây là sự kiện bên lề Triển lãm Quốc tế lần thứ 2 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2021 do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức.
Chủ đề của hội thảo cũng là nội dung mà lâu nay các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn loay hoay tìm giải pháp thích nghi, còn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối (Buyer) cũng vất vả tìm kiếm đối tác phù hợp.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cục Công nghiệp, các doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp đầu cuối, chuyên gia đầu ngành... |
Chuyển đổi số để cải tiến năng suất
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhận định: "Trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó chuyển đổi số nổi lên như một giải pháp tất yếu quan trọng, đã mang tới nhiều cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp, từng bước thay đổi cách thức vận hành truyền thống của chuỗi cung ứng. Hay nói cách khác, đại dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp phải đẩy mạnh chuyển đổi số để thích nghi và phát triển".
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương |
"Chuyển đổi số hiệu quả và thành công sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng thị phần, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh dịch bệnh, và sẽ là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp giai đoạn hậu Covid-19, ông Tuấn nói.
Khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Quá trình này không chỉ có vai trò quan trọng tại các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học...mà đối với các doanh nghiệp sản xuất cung ứng công nghiệp hỗ trợ còn là yếu tố sống còn, giúp đứng vững và tăng giá trị cạnh tranh.
Trong thời gian qua, Cục Công nghiệp đóng vai trò làm cầu nối thông qua các chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn, tổ chức hội thảo, triển lãm, đồng thời cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đúng nhu cầu cũng như các vấn đề vướng mắc đang gặp phải.
Mặc dù tầm nhìn và hướng đi "chuyển đổi số" đã được vạch ra với sự hỗ trợ của Cục Công nghiệp cũng như những doanh nghiệp Buyer lớn, nhưng với quy mô thị trường chung còn nhỏ, doanh nghiệp cung ứng gặp khó khăn về nhân sự cũng như vốn đầu tư, việc chuyển đổi sẽ gặp nhiều khó khăn nếu thiếu sự hướng dẫn từ các chuyên gia.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trong hội thảo, ông Hoàng Anh Hùng, CEO công ty giải pháp Movan cho rằng, chuyển đổi số nếu không tính toán thì rất tốn kém, ví dụ như mua máy móc đã tốn nhưng mua thêm phần mềm để máy móc đó "thông minh" cũng tốn không kém.
Do đó, điều các doanh nghiệp cần đầu tiên phải là tư tưởng, quyết tâm chuyển đổi. Sau đó phải lựa chọn một tiêu chuẩn để chuyển đổi số thay vì nghĩ đến việc đầu tư quá nhiều tiền bạc.
"Một vài tiêu chuẩn có thể áp dụng ngay được như ISO 38500 cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc tham khảo khung chính phủ điện tử 2.0 của Bộ Thông tin truyền thông năm 2019. Bài bản hơn có thể tham khảo ISO 63306, được dựng lên bởi nhiều chuyên gia đầu ngành trên thế giới", ông Hùng nói.
Nói thêm vấn đề này, ông Lê Đặng Trung, người sáng lập và chuyên gia kinh tế trưởng tại Real-Time Analytics (RTA), công ty tư vấn nghiên cứu và phát triển công nghệ, cho rằng chuyển đổi số chính là đáp ứng mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh gồm 5 yếu tố gồm: tính chủ động, linh hoạt, kết nối, minh bạch và tối ưu. Do đó các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công, cần lựa chọn từng bước đi phù hợp.
Chia sẻ thêm ví dụ về sự linh hoạt trong chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Tuân, công ty Idema, cho biết trong thời điểm dịch bệnh nhiều khó khăn, doanh nghiệp đã tối ưu lại hoạt động công ty bằng những thay đổi thiết thực nhất, điển hình như về sản xuất đã có thể trích xuất những số liệu để khi cần khách hàng dễ dàng kiểm soát, tin tưởng sản phẩm đạt đúng yêu cầu về kỹ thuật, an toàn, môi trường.
"Về mặt con người, doanh nghiệp cũng cải tiến những bước nhỏ nhưng góp phần làm thay đổi chung, điển hình như khi công nhân xin nghỉ phép, sẽ không cần phải gửi giấy và chờ chữ ký quản lý chấp thuận nữa mà sẽ đăng thông tin lên app và nhận quyết định cũng qua app", ông Tuân nói.
Cơ hội biến nguy thành cơ
Về phía đại diện doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng ban đối ngoại Công ty Toyota Việt Nam nhận định, Việt Nam có vị trí thuận lợi cho chung chuyển hàng hóa nhưng dung lượng thị trường chưa cao, khó có thể thuyết phục những nhà cung ứng lớn đầu tư vào.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm cơ hội kết nối với các doanh nghiệp lớn tại Triển lãm Vimexpo 2021 (ảnh: Đình Quý) |
Dịch Covid-19 vừa đem lại khó khăn cho tiêu dùng, sản xuất, nhưng lại là cơ hội để nhà sản xuất đầu cuối và doanh nghiệp cung ứng ngồi lại với nhau, bàn hợp tác chuyên sâu.
"Bản thân công ty Toyota khi lựa chọn doanh nghiệp cung ứng cũng sẽ đồng hành luôn cùng họ, từ việc nắm tay chỉ việc cho đến hướng dẫn họ tối ưu hóa nhà xưởng, vận hành con người khoa học. Đến nay chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp Toyota ra các đối tác", ông Hiếu chia sẻ.
Tương tự Toyota, hãng lớn như Samsung khi đầu tư vào sản xuất ở Việt Nam đã song hành với việc thúc đẩy nhà cung ứng bản địa.
Ông Jang Young Ho , Giám đốc hỗ trợ Tổ hợp đối tác của Samsung cho biết kể từ năm 2015 khi bắt đầu hợp tác với Bộ Công thương để tìm nhà cung ứng cho tổ hợp sản xuất tại Việt Nam, ban đầu mới có vài chục doanh nghiệp thì đến nay con số đã lên tới 322. Trong đó, Samsung đã đào tạo được 327 chuyên gia tư vấn, những chuyên gia này sẽ là nguồn nhân lực đào tạo hiệu quả, giúp đỡ ngược lại cộng đồng doanh nghiệp cung ứng.
Ông Chu Trọng Thành, Giám đốc kinh doanh của Công ty cao su Giải Phóng chia sẻ thêm một góc nhìn khác về chuyển đổi số nhà cung ứng. Theo đó, doanh nghiệp nên chủ động đi tìm khách hàng đầu cuối để tự mình thay đổi theo yêu cầu của họ. Từ đó, doanh nghiệp biết mình đang có thế mạnh hay thiếu hụt gì cần sửa đổi.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhận định: "Những thay đổi do đại dịch Covid-19 gây ra đặt ra cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tự chủ và năng động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng mới hình thành. Tuy nhiên, cơ hội không dành cho những người chưa sẵn sàng, do vậy, để biến nguy thành cơ, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo đủ năng lực cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu".
Đình Quý
Điểm gặp gỡ lý tưởng tạo cơ hội phát triển chuỗi giá trị cung ứng trong nước
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, thúc đẩy công nghiệp nền tảng, chủ đạo là công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.