LTS: Trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia về phát triển công nghiệp hỗ trợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VIMEXPO là Triển lãm quốc tế thường niên do Bộ Công Thương chủ trì và chỉ đạo tổ chức. Đây cũng là Triển lãm quốc tế duy nhất về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

VietNamNet xin giới thiệu bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhân sự kiện quan trọng này.

{keywords}
Điểm gặp gỡ lý tưởng tạo cơ hội phát triển chuỗi giá trị cung ứng trong nước

Nghị quyết XIII của Đảng cũng như Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 – 2025 đã xác định rất cụ thể các mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theohướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, với tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; đến năm 2030 sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định quan điểm “phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá”nhằm thúc đẩy quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam.

Mục tiêu đặt ra cho 2025 theo chủ trương của Đảng và Quốc hội là khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, cũng như những đột phá về hệ thống chính sách hỗ trợ để có thể thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo một cách mạnh mẽ, để trong vòng 5 năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP tăng từ 16,7% năm 2020 lên 25% năm 2025.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn tới, quá trình công nghiệp hoá của Việt Nam được đặt trong bối cảnh mới. Trên thế giới, đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng dịch chuyển các dòng đầu tư và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi sâu sắc, toàn diện phương thức sản xuất trên toàn cầu.

Ở trong nước, xu hướng thay đổi về cơ cấu dân số với quy mô thị trường năng động 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng và cơ cấu dân số vàng vẫn duy trì trong vòng 20 năm tới; trong khi đó, chi phí lao động và đất đai ngày càng kém cạnh tranh so với các nước mới nổi, cạnh tranh ngay tại sân nhà ngày càng gia tăng do nền kinh tế đã hội nhập sâu với toàn cầu, độ mở nền kinh tế lớn.

Trong tình hình đó, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên – mà trọng tâm là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ theo định hướng của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm mà các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn xã hội phải cùng sẻ chia và chung sức để thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

{keywords}
Điểm gặp gỡ lý tưởng tạo cơ hội phát triển chuỗi giá trị cung ứng trong nước

Trongbối cảnh Đảng, Quốc hội và Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, với định hướng “Kết nối để phát triển”, Triển lãm quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2021 sẽ càng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia; tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan, tổ chức các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo, giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, công nghệ và cơ hội đầu tư.

{keywords}
Các gian hàng tại Vimexpo thu hút đông người đến tham quan

Triển lãm chính là khẳng định sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ và nỗ lực của Bộ Công Thương đối với công cuộc phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam, đồng thời, truyền tải thông điệp, quan điểm của Đảng và Chính phủ trong chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp là khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp hỗ trợ thuộc mọi thành phần kinh tế; hỗ trợ phát triển các nhà cung ứng trong các ngành công nghiệpnền tảng, ưu tiên, coi đây là cốt lõi của chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; đổi mới chính sách và đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

VIMEXPO 2021 sẽ trở thành “điểm gặp gỡ lý tưởng” giữa các doanh nghiệp, tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; góp phần cụ thể hóa, hiện thực hoá mong muốn và chủ trương của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một nền công nghiệp quốc gia vững mạnh trên cơ sở phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp lớn mạnh cả về lượng và chất.

Thu Ngân (ghi)

 


.