Thực hiện chiến lược phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả, huyện Tam Đảo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, khai thác dữ liệu du lịch nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm cho du khách, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.
Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch cũng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại nhiều tiện ích, sự hài lòng cho du khách.
Quầy thông tin du lịch Tam Đảo cung cấp thông tin du lịch trên nền tảng số, giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin, lựa chọn sản phẩm du lịch phù hợp. Ảnh: Chu Kiều
Với mục tiêu xây dựng địa chỉ tin cậy cung cấp thông tin, chỉ dẫn địa lý du lịch nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm cho du khách, tháng 7/2024, Đoàn Thanh niên thị trấn Tam Đảo (Tam Đảo) đã ra mắt công trình Quầy thông tin du lịch Tam Đảo đặt tại quảng trường trung tâm của thị trấn Tam Đảo.
Đánh giá về hiệu quả công trình, Bí thư Đoàn thị trấn Tam Đảo Nguyễn Thế Cường cho biết: “Công trình Quầy thông tin du lịch Tam Đảo là một trang fanpage trên nền tảng mạng xã hội Facebook đã được mã hóa thành mã QR đặt tại quầy, nội dung chủ yếu là tổng hợp thông tin theo chủ đề như các điểm tham quan, danh sách một số nhà hàng uy tín, khách sạn lớn, biệt thự đẹp…
Bên cạnh đó, fanpage còn chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm đặt phòng tránh bị lừa đảo, kinh nghiệm săn mây, ăn uống, thông tin số điện thoại cần thiết khi tới Tam Đảo… nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách.
Ngoài ra, quầy thông tin du lịch còn cung cấp các tờ rơi giới thiệu chung về thị trấn Tam Đảo - nơi các cơ sở kinh doanh gửi tới du khách phiếu giảm giá dịch vụ, voucher các dịch vụ…
Ngay sau khi ra mắt, công trình nhận được sự quan tâm tích cực của khách thập phương, không ít du khách truy cập fanpage hài lòng với thông tin hữu ích được cung cấp”.
Với gần 20 năm sản xuất, kinh doanh đặc sản vùng miền tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên, bà Lê Thị Kim Thanh, Tổ dân phố Đồng Thỏng, thị trấn Đại Đình cho biết: “Không chỉ các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn mới ứng dụng chuyển đổi số, để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút du khách, ngay cả những tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại các điểm du lịch cũng phải bắt kịp xu hướng chuyển đổi số.
Trong 5 năm trở lại đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành điều kiện thiết yếu trong hoạt động kinh doanh buôn bán, mang lại tiện ích cho khách hàng.
Phần lớn các sản phẩm chất lượng hiện nay đều có tem truy xuất nguồn gốc, mỗi sản phẩm có mã QR riêng để tra cứu thông tin thông qua điện thoại di động thông minh, mang đến sự tin tưởng, hài lòng cho khách hàng”.
Trên địa bàn huyện Tam Đảo hiện có khoảng 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, gần 200 cơ sở lưu trú với hơn 3.500 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Trong đó, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực dịch vụ du lịch đều có hoạt động thương mại điện tử; nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã xây dựng ứng dụng điện tử giúp du khách có thể lên kế hoạch toàn bộ chuyến đi từ đặt vé, tra cứu thông tin địa điểm tham quan, chọn nhà hàng, cơ sở lưu trú… chỉ cần thao tác trên điện thoại di động thông minh.
Để thu hút du khách, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, huyện Tam Đảo đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, khai thác dữ liệu du lịch, phát triển dịch vụ du lịch; tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn hoạt động trong ngành Du lịch tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm du lịch, thông tin đến du khách thông qua hỗ trợ của công nghệ số, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác cải cách hành chính cũng được huyện Tam Đảo đặc biệt quan tâm, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả.
Năm 2024, huyện Tam Đảo xếp thứ 2 toàn tỉnh về kết quả thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử với gần 380 thủ tục hành chính đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Để ngành Du lịch phát triển bền vững, hiệu quả, huyện Tam Đảo tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính; chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các địa phương có điểm du lịch tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, khai thác dữ liệu du lịch nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm cho du khách.
Đồng thời khuyến khích các đơn vị, hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, khả năng cạnh tranh, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.
Theo Hoàng Sơn (Báo Vình Phúc)