Tây Ninh có đường biên giới giáp với Campuchia trải dài 240km, bao gồm 5 huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu và Trảng Bàng. Trong đó khu vực đoạn qua huyện Tân Biên, Tân Châu chủ yếu là rừng.
Ở lĩnh vực viễn thông, hiện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 07 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông, tính đến 09 tháng đầu năm 2024, tổng số thuê bao điện thoại cố định đạt 14.423 thuê bao, bằng 79,6% so với cùng kỳ của năm 2023; Tổng số thuê bao điện thoại di động đạt 1.424.002 thuê bao, bằng 90,7% so với cùng kỳ của năm 2023; Tổng số thuê bao truy nhập Internet băng rộng di động và cố định 1.697.800 thuê bao, bằng 113% so với cùng kỳ của năm 2023; Doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 1.357.880 tỷ đồng, bằng 97,3% so với cùng kỳ của năm 2023; Nộp ngân sách địa phương 09 tháng đầu năm 2024 đạt 34 tỷ đồng.
Trong năm 2025, Tây Ninh đặt ra mục tiêu nâng cấp hạ tầng viễn thông và Internet tốc độ cao, đảm bảo phủ sóng di động tốc độ cao 4G ở 100% xóm, ấp, khu phố, khu dân cư được nhà nước quy hoạch.
Triển khai sóng dịch vụ 5G tại một số địa điểm trọng yếu; Thiết lập các điểm Wi-Fi công cộng miễn phí tại các khu vực trung tâm, du lịch, trường học, bệnh viện và cơ quan nhà nước tạo điều kiện để người dân sử dụng các dịch vụ số, dịch vụ trực tuyến.
Một trong những vấn đề được UBND tỉnh Tây Ninh cũng như Sở TT&TT đặt ra cho các doanh nghiệp viễn thông, đó chính là phủ sóng di động khu vực đường biên giới nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội, cũng như phòng chống cháy rừng tại các khu vực vùng biên giới này.
Việc phủ sóng di động vùng biên giới ở Tây Ninh gặp rất nhiều khó khăn do yếu tố địa hình phức tạp, chủ yếu là rừng, bên cạnh đó một số khu vực cũng chưa có điện lưới, đi kèm là thiếu kinh phí.
Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn chưa mặn mà, do còn tính đến hiệu quả kinh tế; vì vậy việc triển khai phủ sóng di động vùng biên giới hiện nay chủ yếu được thực hiện bởi Viettel Tây Ninh.
Viettel Tây Ninh đã tiến hành phát sóng di động ở khu vực biên giới với 62 vị trí, các đồn biên phòng đã được phủ sóng toàn bộ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khu vực chưa có sóng di động, hoặc có sóng nhưng chập chờn không ổn định, dẫn đến gặp khó khăn trong vấn đề thông tin liên lạc.
Chính vì vậy, tỉnh Tây Ninh xác định việc đầu tư xây dựng và lắp đặt thêm các trạm BTS để phủ sóng di động trở thành một vấn đề cấp thiết, nhằm đảm bảo thông tin liên lạc tại khu vực biên giới, bảo đảm các yếu tố quốc phòng – an ninh, phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội; phòng chống cháy rừng, phối hợp kịp thời các lực lượng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên biên giới.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh về việc phủ sóng thông tin di động 100% khu vực biên giới, đảm bảo sự liền mạch thông tin liên lạc xuyên suốt không gián đoạn dịch vụ, Sở TT&TT tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, cùng Viettel tiến hành khảo sát và lên phương án triển khai.
Theo đại diện Sở TT&TT Tây Ninh, để phủ sóng toàn bộ khu vực biên giới tại các điểm chưa có sóng và sóng chập chờn, theo tính toán của Viettel Tây Ninh sẽ phải lắp thêm 17 trạm BTS.
Sở TT&TT Tây Ninh đã hỗ trợ Viettel làm đề án triển khai và lấy ý kiến thẩm định của các đơn vị liên quan; bên cạnh đó cũng đề xuất địa phương hỗ trợ đất bao gồm đất công và đất rừng để Viettel dựng trạm.
Hiện đề án chuẩn bị được trình UBND tỉnh phê duyệt và dự kiến Tây Ninh sẽ hoàn thành việc phủ sóng di động vùng biên giới vào năm 2025.