Chuyển đổi số (CĐS) nhằm quản lý hành chính khoa học hơn, phục vụ người dân, doanh nghiệp kịp thời hơn và góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân là mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Điền Xá (Nam Trực) đang nỗ lực thực hiện, bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ.
Xã Điền Xá có số dân ít nhưng kinh tế phát triển sôi động bởi có làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê luôn tấp nập khách bán mua ở cả trong, ngoài nước. Điều này đặt ra cho địa phương phải thúc đẩy CĐS toàn diện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giảm thời gian cho công tác quản lý hành chính.
Thực hiện CĐS, Điền Xá có nhiều thuận lợi bởi hạ tầng viễn thông hiện đại từ những năm trước, xã đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc hành chính; người dân năng động thích nghi nhanh với những tiện ích của cuộc sống số.
Hệ thống máy tính từng bước được nâng cấp, nguồn nhân lực cũng được đào tạo kết hợp tự học hỏi để bắt kịp với xu hướng. UBND xã thành lập tổ công tác thực hiện Đề án 06, tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, xóm để giúp người dân nắm bắt công việc và phối hợp thực hiện.
Đồng chí Đoàn Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến thời điểm này, nhiều dịch vụ hành chính đã được xã cập nhật lên hệ thống dịch vụ công trực tuyến như đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký tạm trú, tạm vắng... Nhiều dịch vụ được liên thông giữa các lĩnh vực, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện, chẳng hạn như khi đăng ký khai sinh sẽ đồng thời đăng ký thành công dịch vụ bảo hiểm y tế cho trẻ.
Ngoài ra, các dịch vụ như chữ ký số, thông tin văn bản qua hệ thống iOffice cũng đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho chính cán bộ cấp xã. Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng được siết chặt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Việc CĐS ở Điền Xá được thực hiện khá tốt ở 2 lĩnh vực y tế và giáo dục. Về y tế, trước đây các trạm y tế cấp xã sử dụng rất nhiều phần mềm khác nhau, hệ thống báo cáo khác nhau.
Từ khi thực hiện CĐS, việc tích hợp sử dụng 1 phần mềm duy nhất đã số hóa và thống nhất hàng loạt báo cáo, sổ sách và liên thông tới cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần giảm tải công việc hành chính cho trạm y tế. Toàn bộ dữ liệu của công dân được cập nhật vào hệ thống là cơ sở để triển khai và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân.
Đối với lĩnh vực giáo dục, các trường học trên địa bàn từng bước áp dụng phần mềm quản lý học sinh trong hệ sinh thái giáo dục thông minh và các ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin kịp thời, tăng sự tương tác giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý học sinh.
Đặc biệt đối với phát triển kinh tế số, được sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT), xã đang tiến hành số hóa làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê. Theo đó Sở TT và TT xây dựng phần mềm quảng bá hoa, cây cảnh cho làng nghề Vị Khê trên nền tảng bản đồ số.
Tất cả các hộ kinh doanh trong làng nghề được số hóa các thông tin về địa chỉ, tọa độ cơ sở kinh doanh; dữ liệu cây cảnh bằng mã QR để khách hàng có thể xem hình ảnh 3D, 4D sản phẩm cây cảnh mình ưa thích ở mọi góc nhìn cũng như thông tin cụ thể về tên gọi, độ tuổi, chủng loại, dáng thế và giá bán; thiết kế giao diện thân thiện theo từng nhóm sản phẩm hoa, cây cảnh.
Hiện tại Sở TT và TT đang tiến hành tập huấn các kỹ năng sản xuất hình ảnh 3D, kỹ năng cập nhật thông tin và trao đổi thương mại giữa nhà vườn và khách hàng cho người dân làng nghề. Sở TT và TT phấn đấu hỗ trợ 40 hộ dân làng nghề sử dụng, khai thác hiệu quả phần mềm quảng bá hoa, cây cảnh làng nghề Vị Khê để rút kinh nghiệm trước khi nhân ra diện rộng.
Cách làm bài bản trong lĩnh vực kinh tế số này đã giúp làng nghề khắc phục được điểm nghẽn trong CĐS, phát triển thương mại điện tử mà các làng nghề truyền thống trên toàn quốc đang gặp phải. Đồng thời nâng cao vị thế, mở ra hướng phát triển cho làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh Vị Khê ở cả thị trường trong và ngoài nước.
CĐS toàn diện ở cả ba lĩnh vực chính quyền số, xã hội số và kinh tế số, xã Điền Xá đang hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, người dân hạnh phúc.
Thời gian tới, xã tiếp tục xây dựng chính quyền số theo lộ trình CĐS của tỉnh; nỗ lực đẩy mạnh xây dựng xã hội số để người dân tương tác với chính quyền một cách dễ dàng và tận hưởng dịch vụ số trong sinh hoạt hàng ngày; đẩy mạnh kinh tế số để phát triển thương hiệu làng nghề truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nét tinh hoa của làng nghề gắn với du lịch sinh thái, tăng thu nhập cho người dân.
Theo Nguyễn Hương (Báo Nam Định)