Sản phẩm chè xanh Cẩm Mỹ, HTX chè Cẩm Mỹ được dán tem truy suất nguồn gốc để người tiêu dùng dễ dàng nắm bắt thông tin sản phẩm.

Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lựa chọn phần mềm hoạt động đa nền tảng phục vụ chuyển đổi số cho các đơn vị sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng, vận hành phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp trên website: http://phutho.idfood.net/ và ứng dụng “Agritech- Chuỗi nông nghiệp số” cho các thiết bị di động.

Đồng thời, triển khai thực hiện mô hình “Chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với TMĐT tỉnh Phú Thọ”, tạo nền tảng thúc đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp nhằm chuẩn hóa quy trình sản suất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa và xuất code tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị từng sản phẩm.

Hiện đã có 50 cơ sở sản suất nông sản hàng hóa và sản phẩm OCOP áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh bằng phần mềm Agritech.

Các cơ sở tham gia chuyển đổi số được cấp mã số, sơ đồ hóa và định vị GPS cơ sở sản xuất; quản lý, cập nhật đầy đủ quy trình sản xuất, vật tư đầu vào, đầu ra, nhật ký điện tử sản xuất theo thời gian; mã hóa, xuất code tem truy xuất nguồn gốc QR… Các tính năng đều được minh họa bằng biểu tượng/hình ảnh đáng chú ý, rất dễ sử dụng cho người dân.

Là một trong 63 HTX tiêu biểu trên toàn quốc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương năm 2023, HTX Chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn đã thay đổi tư duy bằng chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chè hữu cơ và đẩy mạnh thiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử. Năm 2022, HTX Chè Cẩm Mỹ có hai sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP bốn sao của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ - Phó giám đốc HTX Chè Cẩm Mỹ cho biết: “Hiện HTX đã có hơn 15ha chè sản xuất đạt chứng nhận VietGAP. Cùng với nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè hữu cơ của HTX, để bắt kịp với xu thế chuyển đổi số trong nông nghiệp, HTX đã xác định thực hiện chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng thương hiệu.

Hiện chúng tôi đã có trang web riêng, đăng ký tên miền chính chủ, có Fanpage trên mạng xã hội, nhờ đó, lượng khách ở các tỉnh, thành phố khác biết đến, đặt hàng chè xanh Cẩm Mỹ thông qua các sàn TMĐT và mạng xã hội ngày càng tăng”.

Tại HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đã được đầu tư, chú trọng. HTX đã đầu tư hệ thống nhà lưới với quy mô hơn 7.000m2 trồng măng tây, dưa chuột… cùng hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt của Israel.

Công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm tối đa chi phí, nhân công. Hiện nay, nhiều HTX đã áp ụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như: HTX sản xuất kinh doanh bưởi Chí Đám, huyện Đoan Hùng sử dụng app “Agritech- chuỗi nông nghiệp số” thực hiện ghi thông tin, nhật ký sản xuất, các thông tin dữ liệu về lô, thửa, nơi sản xuất, canh tác trên điện thoại di động; HTX Liên Gia Trang, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê; HTX sản xuất, chế biến chè an toàn Long Cốc, huyện Tân Sơn... đều đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các trang TMĐT.

Thực hiện chuyển đối số trong nông nghiệp, toàn tỉnh đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gồm 70 vùng chè với diện tích 5.800ha, 166 vùng bưởi với diện tích hơn 2.600ha, 33 vùng chuối với diện tích hơn 1.000ha; cấp được 41 mã số vùng trồng với diện tích gần 1.500ha cho các sản phẩm như chuối, bưởi, rau; hơn 3.000ha bưởi sản xuất theo hướng an toàn, 25 HTX, 82 trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất...

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh đang có mặt trên các sàn giao dịch TMĐT như nongsan.phutho.gov.vn, giaothuong.net và trên các trang mạng xã hội đã góp phần đưa sản phẩm nông sản Phú Thọ đến với người tiêu dùng, giúp các sản phẩm nâng tầm giá trị, mở rộng thị trường, quảng bá rộng rãi hơn trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo Nguyên An (Báo Phú Thọ)