Với đặc thù là một tỉnh miền núi, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ nhận thức về công nghệ còn hạn chế vẫn là rào cản trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh. Tuy nhiên, chuyển đổi số chính là phương thức để giúp rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền nhanh nhất.

Để quyết tâm gỡ những “điểm nghẽn” trong thực hiện chuyển đổi số tại các vùng miền núi, dân tộc thiểu số, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiều giải pháp nỗ lực thực hiện chuyển đổi số tại những địa bàn này.

Với những nỗ lực, quyết tâm và sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, công cuộc chuyển đổi số tại tỉnh miền núi Bắc Kạn nói riêng đã và đang có nhiều chuyển biến toàn diện, tích cực. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quản lý xã hội, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. 

Để việc chuyển đổi số trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, hệ thống chính trị các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bà con về các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng Internet trong đời sống và sản xuất.

Bên cạnh đó, công nghệ số cần bám sát vào đời sống bà con thông qua các hoạt động thiết thực như: Chính quyền có thể giao tiếp với người dân qua zalo, cung cấp dịch vụ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử; cài đặt các hệ thống cảm biến, camera an ninh, hệ thống theo dõi các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội… để có thông tin trực tuyến…

Để bắt kịp xu thế chung của cả nước, dù trong điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn song với phương châm “toàn diện, kiên quyết, kiên trì”, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, tạo điều kiện và dẫn dắt kinh tế số, xã hội số phát triển.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 3G/4G; quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính.

Số thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh đạt 353.886 thuê bao; số thuê bao điện thoại thông minh đạt 283.041 thuê bao, đạt 87% dân số; mật độ điện thoại đạt 90,5 máy/100 dân; số thuê bao Internet đạt 294.256 thuê bao, đạt tỷ lệ 91% dân số. Tỷ lệ người dùng internet đạt 91%; số hộ gia đình có người có điện thoại thông minh đạt 95%. Tỷ lệ người dân (từ 14 tuổi trở lên) có tài khoản định danh điện tử đạt 58,7%.

Người dân được tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh khai thác các thông tin.

Năm 2023, tỉnh đã triển khai Chương trình phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 08 xã, phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số. Kết quả đã tiếp nhận 186 chiếc điện thoại thông minh và hơn 470 triệu đồng tiền ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho người dân...

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã duy trì hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ TTHC cho tổ chức, cá nhân. Các hồ sơ TTHC được tiếp nhận, xử lý trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh và phần mềm chuyên ngành để giảm thiểu thời gian xử lý, tăng tính minh bạch, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình theo dõi hồ sơ TTHC đã thực hiện. 

Để giảm thời gian chờ đợi của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC, công chức, viên chức Bộ phận Một cửa đã hỗ trợ tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ngay tại nhà thông qua điện thoại, zalo... mà không cần đến trực tiếp Bộ phận Một cửa.

Tỉnh đã triển khai kênh số khác (ngoài Cổng thông tin điện tử và dịch vụ công) để cung cấp thông tin và DVCTT qua ứng dụng công dân số trên nền tảng di động “Smart Bac Kan”; ứng dụng phản ánh, kiến nghị qua Zalo “Bắc Kạn ngày mới”; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị qua email “thutuchanhchinh@backan.gov.vn”.

Lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số bởi đây là lĩnh vực tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của ngành Y tế được triển khai, nâng cấp phát huy tốt hiệu quả sử dụng.

Đến nay, số lượng người dân được tạo lập dữ liệu là 353.785 hồ sơ, 100% hồ sơ ban đầu của người dân trong tỉnh được cập nhật trên hệ thống; 91% người dân đã được chuẩn hóa các thông tin hành chính; 100% đơn vị khám chữa bệnh đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện HIS, quản lý trạm Y tế và truyền dữ liệu lên cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm Y tế; triển khai phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” cho 119 đơn vị khám chữa bệnh do Bộ Y tế hỗ trợ và triển khai phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt triển khai tại bệnh viện cấp tỉnh và trung tâm Y tế các huyện, thành phố đạt từ 20-25%.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có 108/108 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.014 thành viên tham gia; 1.292/1.092 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 5.689 thành viên tham gia. 100% thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Nhiều tổ công nghệ số cộng đồng đã tham gia tích cực các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi số. 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai ngày hội chuyển đổi số và lồng ghép tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi số trong ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại tất cả các thôn bản trên địa bàn tỉnh.

So với các tỉnh đồng bằng, công cuộc chuyển đổi số ở miền núi gặp khó khăn hơn nhiều khi hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, nguồn lực đầu tư ít, trình độ dân trí còn thấp.

Ở các xã vùng sâu, vùng xa, hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số còn thiếu, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp, nên việc tiếp cận các nội dung chuyển đổi số còn nhiều hạn chế.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 42 thôn bản, 62 cụm dân cư chưa có sóng thông tin di động 3G, 4G; 72 thôn bản chưa có dịch vụ internet cáp quang băng rộng cố định.

Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, việc bố trí kinh phí đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chưa nhiều, quy mô triển khai chưa đồng bộ.

Tỉnh mới đang trong quá trình xây dựng kho dữ liệu dùng chung, xây dựng cổng dữ liệu mở của tỉnh để đáp ứng nhu cầu chia sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu của các đơn vị, địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tăng cường nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác, chất lượng đời sống nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai thực hiện.

Chú trọng chia sẻ cách làm hay, mô hình mới, hiệu quả trong chuyển đổi số tại các địa phương, đơn vị khác và trong tỉnh để áp dụng khi phù hợp; phát hiện, tôn vinh, phổ biến các câu chuyện, bài học, mô hình chuyển đổi số thành công của tỉnh.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số và kỹ năng chuyển đổi số để chủ động tham gia, tiên phong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ thông tin; đào tạo và ứng dụng kỹ năng số trong giáo dục đối với cấp phổ thông.

Nghiên cứu, kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số các cấp. Xây dựng và phát triển mô hình chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương; mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương có ít nhất 01 nhân sự nòng cốt về chuyển đổi số theo hướng đào tạo tại chỗ từ nguồn nhân lực tại chỗ để từ đó tiếp tục nhân rộng, lan tỏa… để đưa chuyển đổi số từng bước đi vào cuộc sống của từng cơ quan, đơn vị, huyện, xã, thôn, bản trên địa bàn tỉnh.

 Theo Nguyễn Nga (TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH BẮC KẠN)