Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, thiếu hụt thông tin là một chỉ số thuộc tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Để giúp người dân tiếp cận, nắm bắt thông tin, kiến thức, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Cao Bằng đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như xây dựng chuyên mục trên các phương tiện thông tin truyền thông; tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử, website của tỉnh và các ngành, địa phương, hệ thống truyền thanh cơ sở; cấp phát tờ rơi, tờ gấp…

Từ đó, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế, học hỏi cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả; đồng thời khơi dậy ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh.

cao Bằng 22
Hệ thống truyền thanh thông minh tại tỉnh Cao Bằng.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cũng tăng cường đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ viễn thông, ưu tiên các khu vực nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh giá rẻ có thể truy cập wifi, mạng di động giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống như thanh toán tiền online, cài đặt ứng dụng định danh điện tử, bảo hiểm xã hội, thực hiện dịch vụ công trực tuyến...

Hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển. Hiện toàn tỉnh Cao Bằng có hơn 1.320 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động đạt 100%; số thuê bao điện thoại toàn mạng đạt hơn 614.500 (trong đó có khoảng 603.000 thuê bao di động); hơn 80.380 thuê bao Internet với trên 52.150 thuê bao truyền hình qua giao thức Internet; tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng đạt khoảng 50%.

Các xã, phường, thị trấn thành lập và kiện toàn hơn 1.460 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 6.680 thành viên tham gia. Các tổ công nghệ số cộng đồng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần giảm nghèo về thông tin.

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai đa dạng các giải pháp truyền thông, hỗ trợ người dân giảm nghèo về thông tin, điều kiện sống và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo tại Cao Bằng đã được cải thiện rõ rệt. Qua đó, người dân tiếp cận thông tin dễ dàng hơn để nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo thông tin.

Được biết, năm 2024, tỉnh Cao Bằng phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4% trở lên (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5% trở lên); phấn đấu 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, trong đó tập trung đầu tư đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, công trình thủy lợi…

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo nói chung, giảm nghèo về thông tin nói riêng, cùng với làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ người nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin để họ chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, chất lượng dịch vụ viễn thông, ưu tiên các khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh giá rẻ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.