Lời tòa soạn:

Cùng với nhiều tỉnh thành trong cả nước, hơn 1 năm qua, chuyển đổi số ở Thủ đô Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã đáp ứng được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Để có được kết quả đó, Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành những chính sách lớn với mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số trên địa bàn. Cùng với đó, Sở TT&TT luôn nỗ lực đồng hành cùng các đơn vị để nghĩ ra cách làm hay, mô hình sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn về chuyển đổi số. VietNamNet giới thiệu tuyến bài viết về chuyển đổi số ở Hà Nội.

VẤN ĐỀ 'SỐNG CÒN' CỦA THỦ ĐÔ

Nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, cuối năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 18 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đưa ra những giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; trở thành thành phố thông minh, hiện đại.

Xác định chuyển đổi số không chỉ là bài toán về công nghệ đơn thuần mà bản chất là dựa trên công nghệ hiện đại, lực lượng sản xuất mới để thay đổi quan hệ sản xuất, nên Nghị quyết 18 nhấn mạnh đến vai trò các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy với việc đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.

nguyen duy ngoc 2328.jpeg
Các đại biểu xem xét giải pháp công nghệ chuyển đổi số được triển khai hiệu quả ở Hà Nội. Ảnh: Khánh Phú

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Nghị quyết 18 ra đời đã thực sự tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của Thủ đô. Toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình.

“Chuyển đổi số là vấn đề ‘sống còn’ của Thủ đô và cũng không cứ có tiền là làm được. Việc chuyển đổi số thành công hay không phụ thuộc vào nhận thức của người đứng đầu các sở ngành, quận huyện”, ông Trần Sỹ Thanh nói và tin rằng, với quyết tâm chính trị, TP Hà Nội chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số, góp phần vào phát triển KT-XH Thủ đô.

Để hiện thực hóa Nghị quyết 18, tháng 9/2023, Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch 239 về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch đã cụ thể hóa, xác định rõ nội dung công việc gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể đối với cơ quan, đơn vị, địa phương của Hà Nội; đồng thời có các giải pháp triển khai khoa học, quyết liệt, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch 310 về triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số điển hình tại các cơ quan nhà nước thành phố. Đồng thời, lựa chọn các đơn vị thực hiện bao gồm: Sở GTVT, Cục Thuế Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị và UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Long Biên, Chương Mỹ…

CHUYỂN BIẾN TỪ CÁC CẤP NGÀNH

Thực hiện yêu cầu của Thành ủy, thời gian vừa qua, Sở TT&TT Hà Nội đã đồng hành cùng các sở ngành, quận, huyện trên địa bàn Thủ đô triển khai chuyển đổi số một cách linh hoạt, sáng tạo, dựa trên 3 trụ cột đó là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Từ khi các chính sách được ban hành, Sở TT&TT Hà Nội luôn nỗ lực đồng hành cùng các đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao như: xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu số, quy trình số; phát triển nền tảng, hệ thống số; phát triển ứng dụng, dịch vụ số, thanh toán không dùng tiền mặt…

Quận Long Biên là đơn vị luôn tích cực đi đầu trong triển khai áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các nhiệm vụ gồm: quản lý văn bản tập trung; chữ ký số trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức, viên chức khối Đảng đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các cấp từ quận đến phường; số hóa các dữ liệu như hộ tịch tư pháp, quy hoạch đô thị, tài nguyên môi trường.

nguoi dan tim hieu mo hinh cds.jpeg
Người dân tìm hiểu mô hình chuyển đổi số trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Nguyễn Trọng

Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường chia sẻ, thời gian qua, quận và 14 phường trên địa bàn luôn đưa ra nhiều sáng kiến trong cải cách TTHC như cải tiến phương án lấy ý kiến đánh giá hài lòng của người dân, tổ chức khi giải quyết TTHC, lấy số xếp hàng giúp tiết kiệm ngân sách đầu tư hàng tỷ đồng.

Cùng với đó, quận Long Biên đưa mô hình đặt lịch hẹn trước với cán bộ tiếp nhận và trả kết quả dành riêng cho công dân nộp hồ sơ trực tuyến; quyết liệt rà soát rút ngắn thời gian giải quyết TTHC đối với 20% số TTHC thuộc thẩm quyền; triển khai thử nghiệm thành công hệ thống lưu trữ thông tin số hóa dữ liệu định danh mức độ 2 phục vụ xác thực trong các giao dịch TTHC…

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ chia sẻ, thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã vào cuộc chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ công tác chuyển đổi số.

“Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, công chức, người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số đã được nâng lên thêm một bước và đang dần hiện hữu rõ nét hơn trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị”, ông Đức chia sẻ.

Về kết quả cụ thể, ông Đức cho biết, tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC cấp huyện đạt 54%, cấp xã đạt 49,65%; Đã vận động được 13.836 đối tượng (tỷ lệ đạt 84%) thực hiện đăng ký, mở tài khoản ngân hàng để nhận trợ cấp an sinh xã hội. Về hạ tầng số, huyện đang tiếp tục duy trì tốt mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại 2 chợ Xuân Mai, chợ Chúc Sơn.

Ông Nguyễn Anh Đức cho biết để tiếp tục triển khai tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, thời gian tới, huyện Chương Mỹ sẽ sử dụng có hiệu quả các phần mềm ứng dụng, đặc biệt trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Chuẩn bị các điều kiện số hóa toàn bộ dữ liệu chuyên ngành theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, tạo nền tảng cơ sở dữ liệu kết nối, chia sẻ thông tin.

Bài 2: Nghị quyết ‘0 đồng’ thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến