Lời tòa soạn: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Báo VietNamNet mở mục “Đóng góp ý tưởng Chuyển đổi số”, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những bài học hay, các nhân vật tiêu biểu và những câu chuyện cả thành công và chưa thành công của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp cũng như người dân trong hành trình chuyển đổi hoạt động lên môi trường số. Dưới đây, VietNamNet giới thiệu ý kiến của ông Phan Bá Mạnh, CEO Công ty cổ phần AN VUI.

Công nghệ đang thay đổi diện mạo lĩnh vực vận tải hành khách

Cách đây hơn 20 năm khi còn là sinh viên tỉnh lẻ, mỗi lần từ nhà ra trường học hoặc từ trường về quê với tôi lại là một lần “hành xác” và thường trực cảm giác bất an. Chuẩn bị đồ đạc từ rất sớm sau đó ra bến xe xếp hàng chen lấn mua cho bằng được một tấm vé. Có lần đang đứng xếp hàng thì bị 1 phụ xe hỏi “Về đâu?”, sau khi báo điểm đến là Thanh Hóa, tôi bị lôi tuột lên xe, với chỗ ngồi chật chội, chen lấn. Không những thế, nhiều lần xe đang chạy giữa đường, khách còn bị nhà xe mời xuống để bán khách và chuyển xe khác… Những sinh viên tỉnh lẻ như tôi thời đó chắc hẳn ai cũng từng trải qua những lần di chuyển như vậy!

Sau này, khi ra trường và hoạt động trong ngành CNTT, có dịp tình cờ đọc một báo cáo do Tổng cục Đường bộ Việt Nam thống kê, tôi mới biết phạm vi và quy mô của ngành vận tải hành khách đường dài rất lớn, trong khi người dân vẫn vất vả mỗi khi di chuyển.

Cũng vì thế, điều đầu tiên trong suy nghĩ của tôi khi tham gia chuyển đổi số ngành vận tải hành khách là làm thế nào để  đưa công nghệ vào giúp mọi người có thể “đi an về vui”. Chỉ khi hành khách được tôn trọng, doanh nghiệp vận tải cạnh tranh lành mạnh, người dân tiếp cận mua vé thuận lợi, ngồi đúng chỗ, lên đúng nơi, đến đúng giờ và trả đúng giá thì mới thực sự là “đi an về vui”.

Giải pháp nhà xe thông minh của ANVUI là 1 trong những giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số được Bộ TT&TT chọn giới thiệu tại diễn đàn "Thách thức công nghệ số".

Ở AN VUI , chúng tôi quan niệm rằng, muốn chuyển đổi số thành công trong ngành vận tải đường bộ, điều đầu tiên là phải làm cho doanh nghiệp vận tải thấy được giá trị của việc chuyển đổi số. Các đơn vị vận tải thường quan tâm nhất đến việc làm sao cho doanh thu tăng, chi phí phải giảm, công ty có lợi nhuận và hình ảnh thương hiệu được nâng cao.

Vì thế, các giải pháp của AN VUI  giai đoạn đầu tập trung cấp cho các doanh nghiệp vận tải một hệ thống phần mềm quản lý tổng thể với những phân hệ như: quản lý bán vé, điều động xe, quản lý gửi hàng hóa, ứng dụng cho tài xế đón trả khách, website giúp doanh nghiệp vận tải có thể bán vé online, quản lý đại lý bán vé… Việc ứng dụng hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu và năng lực thực tế của từng doanh nghiệp. Có thể ban đầu họ chỉ dùng một vài chức năng nhưng từ những lợi ích mang lại mà họ sẽ chuyển đổi dần dần.

Các doanh nghiệp vận tải sau khi ứng dụng phần mềm thì khâu quản lý các công đoạn đều chặt chẽ và dễ dàng hơn, bán vé nhanh gọn không nhầm lẫn và đặc biệt là giúp tiết kiệm từ 10 - 15% chi phí vận hành của doanh nghiệp, song doanh thu lại tăng nhờ gia tăng được kênh tiếp xúc khách hàng. Đến nay, đã có hơn 200 doanh nghiệp vận hành trên 9.000 phương tiện vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên đến 45 chỗ, đang sử dụng giải pháp của AN VUI. Các doanh nghiệp vận tải sau khi sử dụng AN VUI từ 2 năm trở đi có khả năng chuyển đổi số tối thiểu 70% số lượng công việc của doanh nghiệp phát sinh.

Cùng với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp công nghệ khác cũng đang tham gia thúc đẩy chuyển đổi số ngành vận tải hành khách ở mảng bán vé online, có thể kể đến như Baolau, Adamviet, vedientu, vexere… và cả những đơn vị vốn nước ngoài như: Redbus, Bookaway, Klook…  

Có thể nói, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp công nghệ vào quá trình chuyển đổi số tạo nên những thói quen mới cho cả doanh nghiệp vận tải và hành khách. Nhiều người dùng giờ đã thấy mua vé xe tiện lợi hơn, các doanh nghiệp vận tải cũng chú trọng phát triển website mang thương hiệu riêng. Các nhà xe hiểu rõ hơn về vai trò của công nghệ và ứng dụng phần mềm vào quản lý.

Rõ ràng, việc đưa công nghệ vào các hoạt động của lĩnh vực vận tải để thêm nhiều nhà xe thông minh, bến xe điện tử đã giúp minh bạch thông tin về giá cả, cung đường, giờ chạy… Qua đó, các hành khách đã có căn cứ để lựa chọn đơn vị vận tải chất lượng tốt và môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực này trở nên công bằng hơn. Hiện nay, tình trạng “xe dù, bến cóc phần nào được đẩy lùi so với 10 năm trước.

Cần có cơ chế thí điểm các dịch vụ vận tải mới ứng dụng công nghệ

Hơn 10 năm qua, ngành vận tải hành khách đã chứng kiến nhiều thay đổi tích cực và tốc độ thay đổi nhanh. Song chính những đổi thay đó đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho những cơ quan xây dựng luật. Cụ thể, Luật Giao thông vận tải được ban hành từ năm 2008 đến nay đã gần 20 năm, trong khi thị trường, thói quen tiêu dùng, cách thức vận hànhthay đổi rất nhiều, đặc biệt là xuất hiện một số mô hình vận tải rất mới. 

Tôi cho rằng, việc Luật Giao thông vận tải quy định chỉ có 5 loại hình vận tải hành khách gồm taxi, xe bus, tuyến cố định, xe hợp đồng và xe hợp đồng du lịch là khá cứng nhắc, không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Do đó, xuất hiện tình trạng cố gò ép mô hình mới vào những loại hình vận tải đã quy định của luật, làm mất đi tính đổi mới sáng tạo và kìm hãm doanh nghiệp. Tuy cơ quan quản lý đã có những điều chỉnh ở cấp độ Nghị định và Thông tư, song cá nhân tôi đánh giá thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp vận tải hiện nay không phải là thị trường mà chính là yếu tố pháp lý và chính sách.

Vận tải là một dịch vụ cơ bản của cuộc sống, nó tuân thủ rất chặt quy luật “Cung - cầu”. Dịch vụ vận tải thay đổi rất nhanh, do đó nếu cơ chế pháp lý không theo kịp sẽ làm lãng phí và nảy sinh tiêu cực. Vì thế, tôi cho rằng cần có cơ chế thí điểm những dịch vụ vận tải mới có ứng dụng công nghệ trong phạm vi hẹp, ở cấp độ tỉnh, thành phố và thời gian ngắn. Mục đích là đánh giá tính hiệu quả và tác động xã hội cũng như nhận biết đầy đủ đúng bản chất của mô hình trước khi quyết định nhân bản rộng hoặc chấm dứt.

Cùng với đó, quy định pháp luật cần siết chặt kiểm soát yếu tố an toàn trong vận hành, cụ thể cần thu hồi ngay giấy phép nếu doanh nghiệp không tuân thủ quy định về an toàn. Đặc biệt là cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp vận tải ứng dụng công nghệ bởi công nghệ giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả và minh bạch trước các nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Phan Bá Mạnh, CEO Công ty cổ phần AN VUI 

Báo VietNamNet trân trọng cảm ơn và mời độc giả tiếp tục tham gia viết bài chia sẻ kinh nghiệm, kể những câu chuyện, sáng kiến cho chuyển đổi số quốc gia. Các bài viết vui lòng gửi về địa chỉ: banictnews@vietnamnet.vn.