Đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), áp dụng công nghệ, số hóa trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động… là những giải pháp mà các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang thực hiện, giúp người lao động (NLĐ) nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.

Vĩnh phúc 1.jpg
Học sinh Trường THPT Yên Lạc tìm hiểu về nhu cầu tuyển sinh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm trên phần mềm số i-HR. Ảnh: Trà Hương

Thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và NLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh đã đẩy mạnh CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ.

Bên cạnh việc tổ chức phiên giao dịch việc làm thường kỳ 2 lần/tháng và các phiên giao dịch lưu động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các địa phương trong toàn tỉnh, Trung tâm DVVL tỉnh đã tổ chức sàn giao dịch việc làm online, phỏng vấn lao động xuất khẩu trực tuyến thông qua website, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… do trung tâm quản lý.

Từ năm 2023, trang website cung cấp thông tin về thị trường việc làm của trung tâm với tên miền vieclamvinhphuc.gov.vn được nâng cấp, đổi mới; các danh mục được thiết kế theo hướng tinh gọn, dễ nhìn.

Không chỉ đăng tải thông tin về các vị trí việc làm trong nước, chương trình xuất khẩu lao động và du học, trung tâm còn cung cấp tới NLĐ và doanh nghiệp thông tin về xu hướng của thị trường lao động; những ngành, nghề nổi bật hiện nay; hướng dẫn cách viết hồ sơ ứng tuyển; kỹ năng trả lời phỏng vấn…

"Thông qua website của trung tâm, các doanh nghiệp có thể tự đăng tải nhu cầu tìm kiếm lao động, ngược lại, NLĐ cũng có thể trực tiếp đăng tải hồ sơ ứng tuyển của mình. Các thông tin được trung tâm kiểm tra, giám sát nhằm tăng độ chính xác, độ bảo mật trước khi đăng tải công khai trên website".  Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Đặng Phú Xuyên 

Với lượng truy cập đạt khoảng 1.000 lượt/ngày, website vieclamvinhphuc.gov.vn là kênh kết nối hiệu quả giúp nhà tuyển dụng và NLĐ dễ dàng tiếp cận, tăng khả năng tìm kiếm được việc làm phù hợp với năng lực, trình độ của NLĐ và nhu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Trung tâm DVVL tỉnh chú trọng đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật phục vụ CĐS; phát triển hệ thống phần mềm tư vấn, giới thiệu việc làm trên các nền tảng IOS, Android; bố trí cán bộ, nhân viên trực website 24/24h hoặc tư vấn thông qua tổng đài 1900.866.646 nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, NLĐ khi có nhu cầu tuyển dụng nhân sự và tìm kiếm việc làm.

Thông qua các nền tảng số, tỷ lệ NLĐ tìm kiếm được việc làm mới phù hợp ngày càng cao. 6 tháng đầu năm, trung tâm đã tổ chức 16 phiên giao dịch việc làm cố định, lưu động, trực tuyến kết nối trong tỉnh và tới các tỉnh bạn; tư vấn việc làm cho hơn 10.600 lượt người; giới thiệu việc làm cho hơn 1.800 lượt người, trong đó có gần 500 lượt tư vấn trực tuyến; cung ứng gần 600 lao động làm việc cho các doanh nghiệp trong nước, điển hình như Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, Công ty TNHH Compal Việt Nam, Công ty TNHH Solum Vina…

Đẩy mạnh CĐS trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên, cùng với việc đăng tải thông tin về nhu cầu tuyển dụng, vị trí việc làm của các doanh nghiệp trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, từ năm 2023, Trung tâm DVVL thanh niên tỉnh (Tỉnh Đoàn) đã triển khai ứng dụng số i-HR do Trung ương Đoàn và Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực chất lượng cao (CLC) ký kết thỏa thuận.

Ứng dụng có khả năng tương thích trên cả 2 hệ điều hành iOS và Android, giúp kết nối trực tiếp NLĐ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cùng tương tác trên một sàn điện tử. Hiện nay, ứng dụng i-HR đã có hàng nghìn tài khoản của thanh niên trong tỉnh và hàng chục tài khoản của doanh nghiệp đăng ký tham gia.

Vĩnh phúc 2.jpg
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động sử dụng các tiện ích trên nền tảng số. Ảnh: Trà Hương

Thông qua dữ liệu của các tài khoản đăng ký, ứng dụng sẽ tự động phân tích thông tin, định hướng kết nối giữa các đối tượng bằng trí tuệ nhân tạo AI, đáp ứng nhu cầu về tìm kiếm việc làm và tuyển dụng nhân sự của NLĐ, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Vừa qua, trong “Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, du học và xuất khẩu lao động cho thanh niên năm 2024” do Tỉnh Đoàn tổ chức, thông qua ứng dụng i-HR, đã có hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên được tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm.

Với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo trong giải quyết việc làm cho NLĐ, đặc biệt, tập trung vào việc đẩy mạnh CĐS để kết nối cung - cầu lao động, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 13.700 lao động, đạt 81% kế hoạch năm 2024, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, có hơn 520 NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực lao động, việc làm; khai thác tối đa tiện ích các mạng xã hội trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm; đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về những tiện ích, hiệu quả của nền tảng số trong tư vấn, giới thiệu việc làm…

Theo Phương Anh (Báo Vĩnh Phúc)