Tính đến cuối năm 2022, cả nước đã có 29.021 HTX, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp HTX. Các HTX thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn (tăng 22.466 thành viên so năm 2021) và 2,6 triệu lao động (tăng 71.000 lao động so năm 2021); tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/HTX; tổng giá trị tài sản đạt 187,75 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng/ HTX…

hieu0283.jpg
Ứng dụng CNTT, tham gia vào công cuộc chuyển đổi số là hướng đi bắt buộc với các xã viên HTX trong thời đại 4.0.

Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển kinh tế tập thể

Tại hội nghị Tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong giai đoạn mới vừa được tổ chức tại Hà Nội, các đại biểu đã đi sâu phân tích vai trò của báo chí, chuyển đổi số và KTTT, HTX trong giai đoạn mới. Hội nghị cũng là dịp để các cơ quan báo chí có thêm góc nhìn mới trong hoạt động thiết thực đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới theo nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 (tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII); Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình phối hợp số 178/CTPH-BTGTW-LMHTXVN.

Theo ông Lê Hải Bình, Phó Ban Tuyên giáo trung ương, KTTT mà nòng cốt là HTX là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Trong những năm qua, phát triển KTTT, HTX luôn là chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Nội dung của Nghị quyết số 20 cũng nêu rõ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, giải pháp, trong đó nhấn mạnh: “KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”.

Nói riêng về bối cảnh các HTX trong thời kì mới, ông Bình cho rằng trải qua quá trình phát triển, nhất là hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, hiện khu vực KTTT, HTX nhìn chung đã phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, để KTTT, HTX phát triển đúng với tiềm năng và thế mạnh của mình thì còn rất nhiều việc phải làm, trong đó vai trò của báo chí và truyền thông sẽ trở thành động lực đồng hành, cổ vũ và phản biện chính sách giúp KTTT, HTX dần dần khẳng định được vị thế của mình.

Chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chia sẻ những lợi thế mà công cuộc chuyển đổi số đang mang lại cho các thành phần kinh tế nói chung, KTTT, HTX nói riêng nếu phát huy được lợi thế của thời đại 4.0. Theo ông Lịch, chuyển đổi số với 3 trụ cột: Chính phủ số - kinh tế số - xã hội hội đang trở thành xu hướng và Việt Nam đang đặt chuyển đổi số vào vị trí trung tâm.

Cùng quan điểm, ông Lê Hải Bình cho rằng, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược và chuyển đổi số sẽ thay đổi mạnh mẽ KTTT, HTX trong thời gian tới. Bởi, khu vực KTTT, HTX đang trong quá trình thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự liên kết. Không thể mãi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hoặc phụ thuộc trời đất như trước; ngày nay KTTT hay HTX sẽ phải liên minh HTX, hướng đến sự ra đời của các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu lớn, cánh đồng mẫu lớn. Các chuỗi liên kết sản xuất sẽ phải hướng tới những giá trị và việc áp dụng thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nói chung; tích cực tham gia vào tiến trình chuyển đổi số nói riêng là hướng đi đúng đắn và cấp thiết.

Nhiều đại diện KTTT, HTX tham dự hội nghị đã thẳng thắn, vậy chuyển đổi số trong lĩnh vực này nên bắt đầu từ đâu? Làm thế nào để tiến trình chuyển đổi số thay đổi được căn bản phương thức quản trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Bởi, dù nói đến chuyển đổi số nhiều nhưng quá trình chuyển đổi số của các HTX, liên hiệp HTX đang diễn ra chậm, n hất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, theo khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam, vẫn còn tới khoảng 50% số HTX chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn HTX vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số… Do vậy, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công nghệ số, kinh tế số và chuyển đổi số; hỗ trợ đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin, kiến thức và các kỹ năng chuyển đổi số, giải pháp chuyển đổi số đối với các loại hình HTX, liên hiệp HTX… được coi là cẩm nang cần thiết.

Ngọc Diệp và nhóm PV, BTV