Những ngày này đến HTX Rau hoa và du lịch Thanh niên tại Măng Đen (Kon Plông, tỉnh Kon Tum) sẽ thấy vựa rau hữu cơ bạt ngàn, xanh mướt. Vựa rau nằm giữa cánh rừng thông, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước hiện đại. Nông dân tất bật thu hoạch rau quả, sau đó đóng bao gói với tem QR code truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Chị Trần Ngọc Diệp – Giám đốc HTX nhớ lại mình và công sự Nguyễn Thị Quỳnh Viên cùng chung sở thích trồng rau và bắt đầu khởi nghiệm từ năm 2012 với HTX Rau hoa và du lịch Thanh niên. Song, gặp nhiều khó khăn về thị trường, sản phẩm.

Mất hơn 2 năm tìm kiếm, chị phát hiện vùng đất Măng Đen rất phù hợp để xây dựng mô hình rau hữu cơ. Không lâu sau đó, chị cùng cộng sự quyết định sản xuất rau ở vùng núi này với diện tích gần 2ha.

Để đi vào quỹ đạo, HTX đào tạo tay nghề cho các lao động địa phương về kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch; đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng dãy nhà cho công nhân lưu trú thuận tiện việc chăm sóc cây trồng tại đây.

nông nghiệp hữu cơ.jpg
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ dần mở ra hướng đi mới cho người dân huyện miền núi Kon Plông (Ảnh: NNVN)

Khoảng 3 tháng sau, HTX trồng ổn định 10 loại rau quả. Thời điểm rau cho thu hoạch những lứa đầu tiên, chị Diệp thực hiện nâng cấp phần mềm và các phương pháp quản lý từ xa để phát triển hiệu quả. 

Quy trình sản xuất được áp dụng theo nguyên tắc “6 không” gồm: Không sử dụng thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không thuốc kích thích làm tăng trưởng, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng giống biến đổi gen, không trồng trên đất và nước nhiễm hóa chất nông nghiệp.

Thông điệp “6 không” sau đó được in trên bao bì với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng, cũng như duy trì sự màu mỡ của đất.

Bên cạnh đó, để người tiêu dùng trực tiếp nhìn thấy quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ, chị Diệp cho xây dựng phần mềm về nhật ký trồng và chăm sóc.

Năm 2016, các sản phẩm rau của HTX đều mang thương hiệu Happy Vegi, có tem truy xuất nguồn gốc. Hàng được bán online là chủ yếu. Đến nay, HTX cung cấp rau củ quả cho nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn; vựa rau hữu cơ cũng đã mở rộng diện tích lên khoảng 10ha, có 10 nhà màng sản xuất rau.

Chị Diệp cho biết, mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn rau quả gồm cà chua, cà rốt, ớt chuông, su su, xà lách, cải bó xôi, cải ngọt, cần tây… Giá sản phẩm dao động khoảng trên dưới 80.000 đồng/kg.

HTX đảm bảo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Những công nhân ở xa được HTX lo chỗ ăn, chỗ ở. Ngoài ra, HTX còn chú trọng đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân tại chỗ và mong muốn liên kết phát triển thêm diện tích rau. Sản phẩm của các hộ liên kết sẽ được HTX bao tiêu toàn bộ. Việc liên kết sản xuất cũng giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định hơn.

Du quy mô sản xuất chưa lớn, song HTX Rau hoa và du lịch Thanh niên trở thành mô hình tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ kết hợp công nghệ cao, công nghệ số tại Măng Đen. Từ đó, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp huyện Kon Plông.

nông nghiệp hữu cơ.jpg
Liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ, HTX giúp người dân thoát nghèo (Ảnh: NNVN)

Nắm bắt xu hướng phát triển thị trường và tận dụng những lợi thế về khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Trường Tiến Măng Đen (xã Măng Cành, Kon Plông) cũng liên kết với người dân trên địa bàn xã phát triển các loại cây dược liệu, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu và đi sâu vào chế biến sản phẩm từ dược liệu.

Theo đó, HTX đã liên kết với gần 90 hộ dân trên địa bàn xã để phát triển hơn 40ha cây dược liệu sâm dây, đương quy; hơn 200ha quế cùng hơn 4ha măng tây. Những hộ liên kết được HTX cung cấp nguồn giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng chăm sóc các loại dược liệu và tất cả đều sản xuất theo phương pháp hữu cơ, không dùng hóa chất. 

Toàn bộ sản phẩm làm ra được HTX bao tiêu, thu mua và tiến hành chế biến ra tinh dầu tiêu rừng, cao sâm, rượu sâm dây, trà túi lọc (chế biến từ sâm dây và đương quy). Các sản phẩm của HTX đã được bán tại các thị trường trong nước như TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Thuận... Thu nhập của các hộ dân liên kết cũng tăng mạnh

Xác định phát triển nông nghiệp quy mô lớn là yêu cầu tất yếu trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua, huyện Kon Plông đã triển khai nhiều cách làm hay, hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân và từng bước tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

Kon Plông khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời tăng cường liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đi sâu vào chế biến sản phẩm. 

Ông Phạm Thanh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông, cho biết, mục tiêu đến hết năm 2025, huyện Kon Plông thu hút, mở rộng khoảng 500ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phổ biến kỹ thuật cho người dân để người dân nắm bắt, cải thiện điều kiện lao động, cũng như cách chăm sóc quản lý về cây trồng. Qua đó, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, hiện thực hóa mục tiêu nâng cao thu nhập cho bà con và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Tâm An