Con đường chuyển đổi số của Việt Nam đã dần được định hình

Ngày 9/10, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức hội thảo“Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp”. 

Chủ tịch VDCA Nguyên Minh Hồng cho biết, hội thảo là một hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Việt Nam năm nay. (Ảnh: M.Sơn)

Theo Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng, mục đích của hội thảo nhằm đánh giá việc tăng tốc chuyển đổi số ở các tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp... vì lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp để trên cơ sở đó đề xuất giải pháp triển khai những sáng kiến số. 

Chia sẻ tại hội thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp nhấn mạnh rằng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia cần tập trung làm sao để có được Chính phủ số, doanh nghiệp số và công dân số. 

Đại diện Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban đã nhấn mạnh chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cho nên phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân và người dân cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Có như vậy, chuyển đổi số mới mang tính toàn dân và toàn diện,mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: M.Sơn)

Nhấn mạnh quan điểm chuyển đổi số là một hành trình dài, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay, trên hành trình đó, có những thứ mà chúng ta chưa biết, chưa rõ cách làm. Năm 2021, 2022 là năm chúng ta đã cùng nhau trải nghiệm, cùng nhau khám phá, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện thành công và cùng nhau tháo gỡ khó khăn. 

“Con đường chuyển đổi số của Việt Nam từ đó cũng đã dần được định hình. Bắt đầu từ chủ trương, cách tiếp cận tại Nghị quyết 52 năm 2019 của Bộ Chính trị, tiếp đó là các chương trình, chiến lược về chuyển đổi số lần lượt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Thứ trưởng thông tin.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng giới thiệu tới các đại biểu về Cổng chuyển đổi số quốc gia dx.gov.vn do Bộ TT&TT thiết lập, nơi cung cấp thông tin, công cụ hỗ trợ các người dân, doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức trong hành trình chuyển đổi số.

 Bộ TT&TT đã hoàn thành thiết lập Cổng chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ dx.gov.vn

Cổng chuyển đổi số quốc gia đã được tích hợp nhiều chuyên trang với những thông tin hữu ích cho mọi người dân cũng như cho từng nhóm đối tượng. Đó là chuyên trang về Cẩm nang chuyển đổi số dành cho mọi người; chuyên trang về Chính phủ số cho cơ quan nhà nước; chuyên trang SMEdx dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chuyên trang xã hội số cho người dân.

Tại cổng dx.gov.vn, Bộ TT&TT còn tập hợp, đăng tải các bài toán, câu chuyện chuyển đổi số, đồng thời cung cấp những khóa bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số cho mọi người qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch; hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người dân trên cổng khonggianmang.vn…

“Bộ TT&TT đã hành động và sẽ hành động để cùng đồng hành với các tổ chức, cá nhân trên hành trình chuyển đổi số. Những kết quả trên có lẽ còn xa mới thỏa mãn được kỳ vọng của cộng đồng, nhưng Bộ TT&TT hy vọng nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng để chúng ta cùng nhau tạo nên một câu chuyện đáng để kể về chuyển đổi số Việt Nam”, Thứ trưởng nói. 

Người dân, doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích từ chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT, trải qua giai đoạn khởi động, tổng diễn tập và bước đầu tổng tiến công chuyển đổi số, đến nay công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. 

Cụ thể, về Chính phủ số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp đã đạt hơn 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 67,8% và tỷ lệ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến là 43,2%.

Về kinh tế số, đến giữa năm nay, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Còn về xã hội số, số lượt người dùng hằng tháng trên tất cả nền tảng số di động Việt Nam đã tăng hơn 100 triệu lượt so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ người dùng các nền tảng di động Việt Nam đạt khoảng 20% trên tổng số người dùng nền tảng số.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an khẳng định, việc ứng dụng tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh xác thực điện tử là bước cải cách đột phá về thủ tục hành chính và giao dịch điện tử tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, công sức.

Cùng với đó, còn đem lại lợi ích kinh tế lớn như tiết kiệm tối thiểu 50 tỷ đồng tiền chụp ảnh cho học sinh trên cả nước khi đăng ký thi online; tiết kiệm 5.385 tỷ đồng tiền phát hành cho 107,7 triệu thẻ ATM khi triển khai dùng thẻ căn cước công dân thay thẻ ATM…

Đại diện Cục chuyển đổi số quốc gia, C06 - Bộ Công an và Trung tâm CNTT - Bộ Giao thông vận tải trao đổi tại hội thảo. (Ảnh: M.Sơn)

Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ Giao thông Vận tải Phùng Văn Trọng nhấn mạnh, chuyển đổi số đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Nhờ chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính lĩnh vực vận tải ở bất cứ đâu; có thể tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ; được hỗ trợ số hóa, lưu trữ hồ sơ để tái sử dụng lần sau. 

Với cơ quan quản lý nhà nước, từ quá chuyển đổi số đã hình thành được dữ liệu tập trung về vận tải gồm doanh nghiệp, phương tiện, người đăng ký phương tiện, tuyến, hợp đồng vận tải… phục vụ công tác quản lý, điều hành. 

Vân Anh