Xác định chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và giảng dạy là khâu đột phá, ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên luôn quan tâm tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên,… giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục.

Trong công tác quản lý, 100% các cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý nhà trường, phần mềm quản lý kế toán, quản lý thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng được cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục tỉnh, hệ thống quản lý văn bản toàn ngành, cũng như các ứng dụng quản lý chuyên môn, nghiệp vụ khác.

Bên cạnh đó, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tiến hành rà soát, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Việc rà soát, đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin tại cơ quan, đơn vị, nhà trường góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy – học, quản trị đơn vị của các cơ sở giáo dục.

Các đơn vị đã lắp hệ thống đường truyền Internet, wifi đến các phòng học, một số đơn vị đã trang bị tivi thông minh, máy chiếu cho lớp học. 

thai nguyen.jpg
Chuyển đổi số tạo đột phá, nâng cao chất lượng quản lý giáo dục ở Thái Nguyên.

Sau 2 năm triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu dùng chung, ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên đã tạo lập, xây dựng kho dữ liệu chứa đầy đủ thông tin các nhà trường, đội ngũ nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục, thông tin người học trên địa bàn tỉnh thuộc sự quản lý của ngành được lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu tỉnh Thái Nguyên (Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên), hệ thống được đăng ký hồ sơ an toàn cấp độ 3 theo quy định, được bảo mật theo tiêu chuẩn của đơn vị đối tác phát triển giải pháp và quy chế của ngành giáo dục.

Theo đó, có 688/694 đơn vị hoàn thành chuẩn hóa cơ sở dữ liệu báo cáo trên cơ sở dữ liệu ngành, sẵn sàng kết nối với các hệ thống báo cáo dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu khác của tỉnh. 

Đối với việc dạy, học trực truyến trong các cơ sở giáo dục: 100% các cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình có chất lượng, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế từng cơ sở.

Các nhà trường đã linh hoạt, sáng tạo trong việc sử dụng các nền tảng hỗ trợ tích cực trong các hoạt động giáo dục như MS Team, Zoom, Google Meet,… để tổ chức dạy học trực tuyến; sử dụng Google form, Azota, TeamLink, Nearpod,… để ôn tập và kiểm tra đánh giá.

Đến nay, đã có gần 5,8 triệu tiết học trực tuyến đã thực hiện ở các trường cấp THPT, THCS, cấp tiểu học, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên. Bên cạnh đó, nhà trường còn triển khai hệ thống quản lý tuyển sinh đầu cấp trực tuyến.

Đối với tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2022-2023 học sinh thực hiện đăng ký trực tuyến trên hệ thống đạt tỷ lệ 99% số học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10, thông tin học sinh được liên kết từ cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành đảm bảo độ tin cậy cao, dữ liệu đăng ký tuyển sinh được liên thông tới trường THPT, tới Sở Giáo dục và Đào tạo kịp thời phục vụ các khâu trong kỳ tuyển sinh.

Đối với hệ thống đăng ký tuyển sinh vào lớp 6 trực tuyến đã được xây dựng và được các phòng giáo dục đào tạo triển khai, đảm bảo tính minh bạch trong kỳ tuyển sinh.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã áp dụng các phần mềm quản lý chuyên môn và điện tử hóa hệ thống hồ sơ phù hợp với điều kiện thực tiễn tại đơn vị.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh các cơ sở đang triển khai, sử dụng Sổ theo dõi và đánh giá học sinh trên các nền tảng Smas, Vnedu. 

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Nhiều thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh như đăng ký tuyển sinh đầu cấp; đăng ký thi tốt nghiệp THPT; đăng ký xét tuyển Đại học, Cao đẳng; cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc; công nhận bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam; thủ tục chuyển trường;…

Tại cấp tỉnh dịch vụ công trực tuyến toàn trình có 13 thủ tục hành chính và số dịch vụ công trực tuyến một phần 116 thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, toàn ngành đã triển khai các phần mềm quản lý tài chính, tài sản. Theo đó, 100% các đơn vị trường học sử dụng phần mềm quản lý tài sản nhà nước để quản lý theo dõi tài sản toàn ngành, theo dõi biến động tăng giảm tài sản,.. 100% các đơn vị trường học sử dụng phần mềm quản lý tài chính, phần mềm quản lý thu không dùng tiền mặt của nhà cung cấp phần mềm Misa,…đến nay, 100% phụ huynh các nhà trường thanh toán không dùng tiền mặt.

Với những kết quả tích cực mà ngành đã đạt được trong thời gian qua sẽ là động lực quan trọng, để từ đó tiếp tục phấn đấu, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong thời điểm hiện tại cũng như thời gian tới hướng đến mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số trong giáo dục.

 Theo chuyên trang chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên