Với mục tiêu, tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số của ngành Giáo dục tỉnh Bình Định giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể mục tiêu đến năm 2025, đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học; 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4… Chuyển đổi số đã được hầu hết các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện.
Tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, là một trong những trường đi đầu về chuyển đổi số với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo. Không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc quản lý, dạy và học, lãnh đạo nhà trường chuyên Lê Quý Đôn đã chủ động xây dựng hình ảnh nhà trường cởi mở, công khai trên mạng thông qua việc xây dựng website, fanpage. Thông tin, hoạt động của trường được cập nhật, đăng tải thường xuyên.
Chia sẻ với VietNamnet, thầy Huỳnh Lê Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các thông tin về điểm thi được cập nhật nhanh chóng lên website giúp học sinh, phụ huynh dễ dàng tra cứu, tiết kiệm thời gian, công sức. Cũng nhờ việc xây dựng hình ảnh nhà trường trên mạng xã hội mà số lượng hồ sơ đăng ký thi tuyển vào trường ngày càng tăng.
Ngoài ra, thầy Minh cho biết hiện nay nhà trường đang xin phép Sở giáo dục Bình Định cho phép duyệt hồ sơ số (bao gồm học bạ, sổ ghi đầu bài, hồ sơ khen thưởng, hồ sơ kiểm tra, đánh giá cán bộ giáo viên, kế hoạch giáo dục, bài dạy, hồ sơ quản lý...)
“Hồ sơ số sẽ giúp nhà trường không phải in ra ký theo truyền thống như từ trước đến nay để đỡ tốn kém chi phí giấy mực và công tác lưu trữ nhiều”, thầy Minh cho hay.
Là một trường học ở miền núi, phần đông học sinh là người dân tộc thiểu số nhưng trường THCS Canh Thuận (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, Bình Định) đã tích cực trong công tác chuyển đổi số nhằm xây dựng thư viện tiên tiến.
Trường đã áp dụng các phần mềm hỗ trợ trong công tác quản lý thư viện, phục vụ bạn đọc. Thông qua phần mềm, học sinh tìm đầu sách cần mượn, tra cứu mã số, sau đó chuyển mã cho thủ thư. Hoạt động mượn, trả sách diễn ra nhanh chóng, thuận tiện. Đồng thời, nhà trường cũng trang bị thêm máy tính có kết nối internet để học sinh dễ dàng tra cứu và tìm đọc các tài liệu điện tử, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường.
Còn tại Trường Tiểu học Số 1 Tuy Phước (Thị trấn Tuy Phước, Bình Định), thầy Trần Quan Toản, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, công tác chuyển đổi số đã được nhà trường triển khai đồng bộ trong mọi lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trường đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường giúp công tác quản lý khoa học, thuận tiện, chính xác. Hiện nay trường đang triển khai sổ điểm điện tử.
Trong hoạt động chuyên môn, nhà trường ứng dụng công nghệ vào soạn giáo án điện tử, đổi mới phương pháp dạy học; Nhà trường cũng quan tâm đầu tư trang thiết bị như máy tính, mạng internet.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng được nhà trường thực hiện qua nhiều kênh thông tin, ứng dụng như website, zalo…Nhà trường đã xây dựng cổng thông tin điện tử với nội dung phong phú, cập nhật thường xuyên những thông tin về hoạt động của nhà trường, chương trình học, tài liệu…nhằm truyền tải đầy đủ, nhanh nhất thông tin tới phụ huynh, học sinh; đồng thời quảng bá hình ảnh nhà trường.
Ông Nguyễn Đình Hùng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bình Định cho biết, ngành GD&ĐT tỉnh đã thực hiện chuyển đổi số trên nhiều phương diện: tăng cường cơ sở vật chất, nền tảng phục vụ chuyển đổi số; ứng dụng các sản phẩm phần mềm để nâng cao hiệu quả công việc như hỗ trợ tổ chức các kỳ thi, hỗ trợ công tác quản trị trường học.
Sở đã triển khai các nền tảng dạy học trực tuyến, kho dữ liệu dùng chung; phối hợp xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu cho Trung tâm điều hành giáo dục thông minh IOC-vnEdu.
Hệ thống này giúp quản lý được thông tin về trường, lớp, giáo viên, học sinh…11 phòng giáo dục, 637 cơ sở đào tạo với số lượng 18.133 cán bộ, giáo viên, hơn 314.000 học sinh đã được đưa lên hệ thống. Từ những số liệu đó các cấp quản lý có thể chỉ đạo điều hành một cách nhanh chóng, thuận tiện.
“Trong thời gian đến, ngành giáo dục tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến”, ông Hùng cho hay.
Diệu Thuỳ