Em Nguyễn Thị Thu Thuỷ, học sinh lớp 10A2, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng chia sẻ, nhờ áp dụng chuyển đổi số vào dạy và học, giờ đây, các tiết học đã trở nên sinh động, trực quan hơn khi có sự hỗ trợ của hệ thống wifi, máy vi tính, điện thoại thông minh… Đặc biệt, khi có các sự cố về thời tiết, em và các bạn dù không đến trường vẫn có thể học tập liên tục nhờ các tiết học trực tuyến. 

Thời gian qua, cùng với các trường học khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện công tác chuyển đổi số.

Hiện, nhà trường được đầu tư 3 phòng máy tính, 1 phòng bộ môn tin học, 2 phòng bộ môn tiếng Anh, 15 máy vi tính phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn, văn phòng; “phủ” Internet tốc độ cao đến phòng máy và các phòng làm việc. 100% giáo viên, nhân viên nhà trường sử dụng điện thoại thông minh, cài đặt các phần mềm thông dụng, các thông tin thông báo gửi đến, đi thuận lợi, nhanh chóng. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị và dạy học

Hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục số vào năm 2025, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Cao Bằng đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường. 

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng triển khai kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin, triển khai phần mềm Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và Quản lý hồ sơ giáo dục thuộc “Hệ sinh thái giáo dục thông minh tỉnh Cao Bằng”. 

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030". 

Cao Bằng 2
Các trường học tại Cao Bằng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong dạy và học.

Tính đến nay, 12 văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số trong giáo dục đã được Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan liên quan ban hành, tạo nền tảng pháp lý cho các cơ sở giáo dục triển khai đồng bộ.

Toàn tỉnh đã có hơn 500 trường học cập nhật và số hóa dữ liệu, bao gồm các trường mầm non, tiểu học, trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. 

Các ứng dụng Tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh vào lớp 10 trên nền tảng Zalo OA cũng đã được phát triển. 

Năm 2023, có 10.324/11.862 công chức, viên chức và người lao động trong ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng được cấp mã định danh, đạt 87%. Đối với học sinh, 109.435/135.791 em đã được cấp mã định danh, đạt 80,59%.

Đặc biệt, cơ sở dữ liệu công chức, viên chức tỉnh đã kết nối 100% với các đơn vị trực thuộc, tạo sự thống nhất trong quản lý thông tin và hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.

Trong năm học 2023 - 2024, dịch vụ công đăng ký dự thi tốt nghiệp trực tuyến cũng đã được triển khai, với 5.796 thí sinh đăng ký qua hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cổng dịch vụ công.

Hiện nay, hoạt động chuyển đổi số trong dạy và học tại tỉnh Cao Bằng tiếp tục duy trì hệ thống học, họp trực tuyến qua các nền tảng Google Meet và Microsoft Teams, phục vụ cho 91.000 học sinh và 9.000 giáo viên.

Đồng thời, hệ sinh thái giáo dục được ứng dụng trong công tác quản lý và điều hành tại các cơ sở giáo dục, với các chức năng như phê duyệt giáo án điện tử, quản lý hồ sơ và học bạ học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị trong nhà trường.

Hiện có 79 trên 82 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giáo dục và Đào tạo được triển khai toàn trình ở mức độ 4, tương đương 94%, vượt 50% chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Tất cả các thủ tục hành chính cũng đã được đăng tải đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trong năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".