Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, chương trình CĐS quốc gia và Nghị quyết số 18, ngày 29.10.2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS giai đoạn 2021 - 2025, trong nửa nhiệm kỳ qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trên địa bàn tỉnh phát triển sâu rộng, thực chất, trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Quyết tâm thúc đẩy CĐS, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành cấp tỉnh, huyện; Ban chỉ đạo CĐS cấp xã và Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn; ký kết biên bản hợp tác với các Tập đoàn FPT, VNPT, Viettel để tranh thủ và huy động nguồn lực. 

Người dân tìm hiểu các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Đỗ Thái Hòa cho biết: Giai đoạn trước nhiệm kỳ, tỉnh tập trung vào các ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử. Đến đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh thúc đẩy CĐS ở hầu hết các ngành, lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Theo đó, tỉnh triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% các cơ quan Đảng và hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo kết nối giữa Trung tâm dữ liệu của tỉnh với hệ thống mạng nội bộ của các cơ quan, đơn vị thống nhất, an toàn; bảo mật thông tin và được kiểm soát bởi hệ thống giám sát tốc độ, tình trạng nối, lưu lượng, đáp ứng nhu cầu hạ tầng triển khai các ứng dụng dùng chung trên địa bàn tỉnh.

Chuyển đổi giao thức kết nối cho hệ thống Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh và của các bộ, ngành T.Ư thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).

Đến nay, đã kết nối 58/81 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Cơ sở dữ liệu về giá; phần mềm quản lý thông tin đối ngoại; phần mềm công chứng, chứng thực và thông tin ngăn chặn; Cổng dữ liệu dùng chung của tỉnh; phần mềm quản lý hộ chính sách và hộ nghèo; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, truy xuất sản phẩm trong nền kinh tế tuần hoàn gắn với thương mại điện tử; cổng thông tin và bản đồ về du lịch; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về văn hóa; triển khai camera giám sát tập trung đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh...

Từ đó, giúp hoạch định, xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển KT – XH một cách bền vững, phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

 

Báo Hà Giang đầu tư xây dựng phòng thu hiện đại, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số.


Thúc đẩy kinh tế số, các ngành, địa phương tập trung triển khai mô hình chợ 4.0 về các dịch vụ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại khu vực chợ trung tâm các huyện, thành phố. Triển khai một số mô hình CĐS: Thu phí, vé chợ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp thông qua tài khoản ngân hàng; in mã QR thanh toán tại các gian hàng tiểu thương và hỗ trợ cài đặt tài khoản ngân hàng phục vụ giao dịch điện tử.

Đến nay, 85% số trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán học phí trực tuyến, không dùng tiền mặt; thí điểm không dùng tiền mặt với tổng số 946/1.097 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, đạt 86,2%.

Có 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 55,5% dân số trên 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng; đăng ký tài khoản các hộ sản xuất, hợp tác xã trên sàn thương mại điện tử, đưa 100% sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử.

Tỉnh phát triển mạnh mẽ hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng viễn thông mạng di động 3G, 4G, phát triển hạ tầng mạng di động 5G. Đến nay, toàn tỉnh có 2.833 trạm thu phát sóng (BTS) trong đó 734 trạm 2G, 1.010 trạm 3G, 1.086 trạm 4G, 3 trạm 5G. Tối ưu mạng lưới, mở rộng vùng phủ sóng di động được 118 thôn/154 thôn trắng sóng.

Đổi mới truyền thông theo hướng CĐS với nhiều hình thức phong phú; thiết lập, duy trì, chỉ đạo hoạt động hiệu quả các phương thức truyền thông hiện đại, đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần đấu tranh, phản bác thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo niềm tin và sự đồng thuận xã hội.

Đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực du lịch như quét mã QR quảng bá du lịch, giới thiệu sơ đồ các hộ trong làng văn hóa du lịch cộng đồng; xây dựng hình ảnh, quảng bá danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch trên các trang thông tin điện tử, trạng mạng xã hội…

Nhìn vào thực tế, CĐS ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự quyết liệt, mức độ sẵn sàng CĐS của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa cao. Tỷ lệ người dân có điện thoại di động thấp, chưa có điều kiện tiếp cận thông tin. Cơ sở vật chất, trang thiết bị về công nghệ thông tin còn thiếu, lạc hậu.

Đến nay, tỉnh còn 36 thôn, bản chưa có sóng di động, có nhiều khu vực chất lượng phủ sóng thấp, chưa ổn định; nhiều thôn bản chưa có điện, khó khăn trong việc hoàn thành tiêu chí về hạ tầng số. Thiếu nhân lực về công nghệ thông tin ở hầu hết các cơ quan từ tỉnh đến xã…

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy CĐS, tỉnh đang tập trung rà soát các kế hoạch, chương trình, đề án phát triển KT – XH; thực hiện hiệu quả việc gắn kết, bổ sung nhiệm vụ CĐS vào các nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển vào KT – XH của các cấp, ngành; lựa chọn và triển khai mô hình CĐS phù hợp, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm.

Ưu tiên nguồn lực CĐS các ngành, lĩnh vực để thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá theo Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII. Đẩy mạnh CĐS báo chí; phổ cập kỹ năng CĐS thông qua hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng. Triển khai hiệu quả nội dung CĐS theo thỏa thuận với các Tập đoàn FPT, VNPT, Viettel đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng.

Phấn đấu hoàn thành phủ sóng di động đến 100% các thôn, 75% hộ dân có đường truyền internet và 85% người dân có điện thoại thông minh, hỗ trợ người dân tham gia các nền tảng số, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp.

Có thể nói, từ việc CĐS được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng đã làm thay đổi căn bản phương thức sống, làm việc, sản xuất của các tổ chức, cá nhân.

Chính quyền, người dân, doanh nghiệp chuyển biến tích cực, nhiều hoạt động thường ngày được chuyển vào môi trường số, từng bước bắt kịp với xu thế phát triển chung, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển KT – XH vùng biên cương cực Bắc.

 Theo Kim Tiến (Báo Hà Giang)