Nhận định được 2 diễn giả - chuyên gia đến từ VCCI và Acecook Việt Nam đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chuyển đổi xanh - Giá trị vô hình của doanh nghiệp" do Báo VietNamNet thực hiện.

Dự tọa đàm có ông Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) và ông Phạm Trung Thành - Trưởng ban Đối ngoại Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam.

Hai diễn giả đã có những chia sẻ xoay quanh quá trình "xanh hóa" của doanh nghiệp (DN), nhất là trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng. Diễn giả cũng bàn về những hỗ trợ cần có để DN đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh của thị trường, và dự báo về xu hướng trong tương lai.

2diengia.jpg
Hai diễn giả Nguyễn Quang Vinh (trái) và Phạm Trung Thành (phải). Ảnh: Lê Anh Dũng

Mở đầu buổi chia sẻ, ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định, chuyển đổi xanh (hay chuyển dịch năng lượng) để phát triển bền vững đang là xu thế tại Việt Nam và toàn cầu. Phó Chủ tịch VCCI cho rằng khi mà yếu tố bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon được cả thế giới ưu tiên hàng đầu, chuyển đổi xanh không chỉ là lựa chọn, mà là “còn là con đường độc đạo” buộc phải đi của DN.

Cùng nhận định này, ông Phạm Trung Thành cho rằng, chuyển đổi xanh không chỉ là xu thế, mà còn là định hướng mang tính “sống còn” của DN khi mà thị trường ngày nay, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, có rất nhiều hàng rào kỹ thuật hướng đến yếu tố xanh. 

Kể về hành trình chuyển đổi xanh tại Acecook Việt Nam, ông Thành cho biết, để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của thị trường, mọi hoạt động tại Acecook đều áp dụng nguyên tắc 3R (Reduce - tiết giảm, Reuse - tái sử dụng, Recycle - tái chế). Acecook đã chuyển 90% bao bì ly nhựa thành ly giấy thân thiện với môi trường; theo đó giảm được 239 triệu ly nhựa thải ra môi trường (chiếm 70% thị trường), cũng là giảm 80% lượng rác thải nhựa của Acecook Việt Nam. 

Diễn giả đến từ Acecook Việt Nam nhấn mạnh, chuyển đổi xanh nay không còn giới hạn ở các sản phẩm, dịch vụ mà còn là cả hoạt động vận hành nội bộ của mỗi DN. Yếu tố "xanh" thể hiện ở quá trình đầu tư, quy trình sản xuất, sử dụng các hệ thống về điện, năng lượng, xây các công trình hoặc vận hành doanh nghiệp, để có thể tối ưu tiết giảm năng lượng, thân thiện môi trường.

Theo đó, Acecook Việt Nam đã sớm sử dụng năng lượng tuần hoàn và chuyển đổi nguyên liệu từ hoá thạch sang nguồn nguyên liệu năng lượng tái tạo. Từ năm 2021, Acecook thay thế các lò hơi đốt than bằng lò sử dụng khí đốt hoá lỏng LPG. Năm 2023, chuyển đổi từ lò hơi đốt than sang sử dụng nguyên liệu sinh khối biomass. Đến năm 2025 toàn bộ nhà máy Acecook sẽ sử dụng lò hơi sử dụng nguyên liệu sạch trong sản xuất.

Tiếp lời diễn giả đến từ Acecook Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh nhận định, tình hình chuyển đổi xanh của các DN Việt Nam những năm gần đây hết sức khả quan, là tín hiệu tốt cho cộng đồng DN Việt phát triển bền vững, phát triển bao trùm trong thời gian tới. Tuy nhiên vị Phó Chủ tịch VCCI không ngạc nhiên trước thực trạng số lượng lớn DN (nhất là DN nhỏ và vừa) tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho chuyển đổi xanh.

Phân tích nguyên nhân, hai diễn giả nhấn mạnh “điểm nghẽn” về nhận thức, tầm nhìn, cùng các hạn chế về nguồn lực chuyển đổi xanh; như kiến thức, năng lực, nhân lực, đặc biệt là kinh phí để giải quyết các vấn đề mới và phức tạp trong lộ trình chuyển đổi.

Nêu ví dụ về khó khăn tìm nguồn cung ứng bền vững, ông Phạm Trung Thành kể: Khi làm ly giấy, Acecook Việt Nam không tìm được một nhà cung cấp nội địa nào có thể đảm bảo sản phẩm bảo quản được như ly nhựa. Dẫn đến việc phải tìm nguồn cung nhập khẩu, khiến giá thành của sản phẩm đội lên.

Tuy nhiên, "xanh" không phải lúc nào cũng đi kèm với tốn kém như nhiều DN băn khoăn. Theo diễn giả đến từ Acecook Việt Nam, thực hành bền vững mở ra giải pháp tiết kiệm; giúp tiết giảm chi phí trong dài hạn. Ông Phạm Trung Thành phân tích lợi ích từ tiềm năng thị trường mà chuyển đổi xanh mang lại; đặc biệt là thị trường xuất khẩu khi các DN Việt Nam có thể giải quyết các “bài toán” về các tiêu chí xanh của thế giới, gia tăng niềm tin và sự ủng hộ của người dùng với sản phẩm xanh.

“Nếu yêu cầu của thị trường càng khắt khe mà chúng ta vẫn giải quyết được, thì thị trường lớn sẽ rộng mở cho tất cả chúng ta. Đó sẽ là tiềm năng vô hạn cho DN Việt Nam vươn ra thị trường thế giới”, đại diện Acecook Việt Nam nói. 

Để DN Việt Nam vững bước tiến vào sân chơi toàn cầu, ông Nguyễn Quang Vinh phân tích tầm quan trọng của các giải pháp hỗ trợ, đồng hành với cộng đồng DN trên hành trình chuyển đổi xanh. “Chính phủ cần có các biện pháp đồng bộ để ban hành các văn bản pháp luật, cũng như chính sách đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực xanh, giúp DN không chỉ nâng cao nhận thức mà còn được hưởng những ưu đãi ban đầu để tiếp cận khoa học - công nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm “xanh” hơn, và quản trị được các vấn đề về ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) trong tình hình mới”, Phó Chủ tịch VCCI nói.

A58I8567.jpg
 Tọa đàm "Chuyển đổi xanh - Giá trị vô hình của doanh nghiệp". Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước khi khép lại buổi chia sẻ, hai diễn giả đưa ra thông điệp về chuyển đổi xanh cho cộng đồng và doanh nghiệp.

Ông Phạm Trung Thành nói: “Chúng ta hoàn toàn có thể thông qua hoạt động chuyển đổi xanh để định nghĩa thành công của DN. Thành công ấy không chỉ dựa trên sự phát triển về doanh thu, lợi nhuận, mà còn là sự gia tăng trách nhiệm của DN với xã hội, với cộng đồng, cũng như tạo dựng một tương lai bền vững lâu dài cho thế hệ tương lai”.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác từ cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân trong hành trình chuyển đổi xanh. Ông cho rằng sự tự nguyện, trách nhiệm tuân thủ của mỗi DN sẽ góp phần cùng toàn xã hội  thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, vì môi trường sống xanh tốt đẹp hơn của cả hành tinh. 

Đinh Ánh Tuyết