TS Đặng Văn Cường, UVBCH Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: “Số trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trong thời gian qua, cho thấy đây là vấn đề đáng lo ngại, cần có sự vào cuộc, quan tâm của các cấp chính quyền”.

Qua quá trình nghiên cứu về tình hình tội phạm xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em và công tác bảo vệ trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thấy rằng, những trẻ bị bạo hành, xâm hại thường có hoàn cảnh đặc biệt như: thiếu cha, thiếu mẹ, cha mẹ có lối sống thiếu lành mạnh, môi trường sống phức tạp, trẻ bị bỏ rơi, gia đình khó khăn... 

Đó là những đứa trẻ yếu thế, thiếu thốn cả về kinh tế, cơ chế bảo vệ và chủ thể trực tiếp bảo vệ chăm sóc giáo dục. 

W-anh-1-cha-me-quan-tam-con-cai-1.jpg
Trẻ cần được quan tâm, yêu thương và dạy dỗ từ cha mẹ

TS Đặng Văn Cường nêu rõ: “Để giảm thiểu những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em thì cần căn cứ vào các nguyên nhân điều kiện, các yếu tố tác động thúc đẩy đối tượng thực hiện hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em và nguyên nhân khiến trẻ em trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành, xâm hại. 

Trong đó, một số nguyên nhân có thể chỉ ra từ phía trẻ em là thiếu sự quản lý, chăm sóc, bảo vệ của cha mẹ, người giám hộ.

Cha mẹ không có điều kiện để bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Cha mẹ có lối sống không lành mạnh như cờ bạc, nghiện ngập, sa đà vào các tệ nạn xã hội.

Cha mẹ chính là những người đã thực hiện hành vi bạo hành trẻ em vì ý thức coi thường pháp luật.

Những trẻ em không được giáo dục về kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các tình huống có vấn đề để tự bảo vệ bản thân khi gặp những tình huống nguy hiểm.

Trẻ em tiếp xúc với những văn hóa phẩm độc hại, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình…”.

Xét từ khía cạnh đối tượng phạm tội, ông Cường chỉ ra, các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại, bạo hành đối với trẻ em thường có bệnh lý hoặc diễn biến tâm lý bất thường.

Đối tượng bạo hành xâm hại trẻ em thường có học thức không cao, ý thức coi thường pháp luật, thiếu tình thương và có tính ích kỷ.

Đối tượng thực hiện hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em xuất phát từ mối quan hệ thiếu lành mạnh đối với cha mẹ cháu bé, trẻ em sống trong môi trường bạo lực, sống chung với cha dượng, mẹ kế...

Trẻ em bị bỏ rơi, lang thang, thiếu cha, thiếu mẹ, không có sự quản lý, bảo vệ, chăm sóc…

Từ đây, TS Đặng Văn Cường đề xuất các giải pháp giảm thiểu những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em. 

Ông Cường cho rằng, cần thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp phòng ngừa từ cơ chế, chính sách, pháp luật đến việc giáo dục kỹ năng sống, tăng cường các thiết chế xã hội, nâng cao vai trò của các đoàn thể, chính quyền địa phương để bảo vệ các trẻ em yếu thế.

Với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, việc đảm bảo an toàn cho các em rất cần sự chung tay của cộng đồng, chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể… Trong đó, chúng ta cần xác định rõ người chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Trẻ em cần được giáo dục kỹ năng để tự tin trước cuộc sống, nhận thức được quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Chỉ có như vậy, các em mới đủ nhận thức, xác định hành vi nào có thể xâm phạm đến quyền lợi và biết cách cầu cứu, liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để được hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ…

Việc giáo dục kỹ năng sống cần phải được quan tâm và thực hiện tốt hơn ở các cơ sở giáo dục. Đồng thời, cần phải đổi mới các phương thức giáo dục để hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em đạt hiệu quả cao hơn.

Nguyễn Thị Ngọc Lài, Hồ Văn Giáp, Lã Thị Kiều Oanh