Tình hình mưa lũ ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp, kéo dài gần 1 tháng và gây hậu quả nặng nề, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo Khí hậu (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia) cho biết, đợt mưa này xảy ra do tác động của một dải mây tên là Front Mei-yu.
Theo nghiên cứu của các nhà khí tượng thế giới và Việt Nam, dải mây này chủ yếu gây mưa cho khu vực phía đông và phía nam Trung Quốc, Nhật Bản; không ảnh hưởng đến Việt Nam.
Tuy nhiên, dù mưa lũ ở Trung Quốc không ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam nhưng đã phản ánh thực trạng xu thế thời tiết biến đổi cực đoan và dị thường.
Hồ chứa đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất thế giới. Ảnh: THX |
Thời gian qua, trên một số phương tiện truyền thông và nhiều người lo ngại việc đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử xả lũ có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hưởng cho biết sông Dương Tử chảy ra khu vực biển giáp với Nhật Bản, cách rất xa Việt Nam.
Do đó, người dân không cần lo ngại việc đập Tam Hiệp xả lũ có ảnh hưởng đến nước ta hay không.
Ông Hưởng giải thích thêm, do độ ẩm trong bầu khí quyển luôn cân bằng nên nếu mưa lớn ở nơi này thì nơi khác sẽ nóng. Trong tháng 6 vừa qua, nếu như Trung Quốc mưa rất nhiều thì miền Bắc ở Việt Nam lại rất nóng. Do đó, mưa lớn cực đoan đang xảy ra tại Trung Quốc không tác động đến tình hình mưa lũ ở Việt Nam.
11-13 cơn bão xuất hiện trên Biển Đông, đề phòng lũ chồng lũ
Nhận định thêm về tình hình thời tiết, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết những ngày đầu tháng 7 do tác động của rãnh áp thấp Tây Bắc Đông Nam các tỉnh Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào trên diện rộng.
Từ giữa tháng 7 nắng nóng có khả năng quay lại ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Trung Bộ nhưng cường độ sẽ không quá gay gắt và kéo dài như tháng 6. Khoảng cuối tháng 7 sẽ có những đợt mưa rào và dông xuất hiện sẽ làm giảm nắng nóng.
Còn Tây Nguyên và Nam Bộ trong mùa mưa nên trong tháng 7 sẽ có nhiều ngày mưa dông trên diện rộng, thời gian tập trung vào chiều tối, khả năng sẽ xuất hiện có hiện tượng cực đoan như lốc xoáy, ngập úng cục bộ ở Cần Thơ, TP.HCM và Bình Dương.
Bão được dự báo vào muộn, dồn dập vào Trung Bộ, Nam Bộ |
Về tình hình bão và áp thấp, ông Hưởng cho biết theo nhận định mùa bão năm nay đến muộn, dù Biển Đông đã đón bão số 1, nhưng ít có khả năng bão hình thành trong tháng 7. Tuy nhiên, có thể xuất hiện các vùng nhiễu động gây mưa dông, gió giật trên biển; ít khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới nên bà con ngư dân cần chú ý.
Từ tháng 8 trở đi, xu hướng, tần suất bão và áp thấp nhiệt đới tăng lên. "Chúng tôi nhận định bão xuất hiện dồn dập vào cuối năm, nhất là từ tháng 9 đến nửa đầu tháng 12", ông Hưởng nói.
Khu vực từ Trung Bộ xuống phía nam được dự báo là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Khoảng 11-13 cơn bão có khả năng hình thành trên Biển Đông trong giai đoạn tháng 8 đến tháng 12, trong đó có 5-6 cơn tác động trực tiếp đến đất liền nước ta.
"Chúng tôi lo ngại trong các tháng cuối năm, mưa lũ xuất hiện dồn dập ở Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, những cơn bão có khả năng ảnh hưởng liên tục đến các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ, gây hiện tượng lũ chồng lũ khi các đợt mưa lớn nối tiếp nhau", Trưởng phòng dự báo Khí hậu bày tỏ.
Bão đến muộn nhưng số lượng vẫn ngang với trung bình nhiều năm. Chính vì thế, mùa bão sẽ dồn dập giai đoạn cuối và có nhiều hiện tượng thiên tai vào giai đoạn cuối năm nay.
Mộc Miên
Mưa lũ, sạt lở nghiêm trọng chia cắt các huyện ở Lào Cai
Mưa lớn kém theo sạt lở đất, sụt lún khiến nhiều tuyến đường huyết mạch ở các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát (Lào Cai) bị chia cắt, gây nguy hiểm cho các phương tiện.