“Nói ra thì cũng hơi xấu hổ, hồi đầu mới chuyển đến đây nhà tôi mua túi rác to loại 110 lít giá 140k/túi. Sau thấy tốn kém quá, nhà tôi mang rác sang Pháp vứt. Khổ, người ta đi Pháp để tham quan thắng cảnh, nhà tôi đi Pháp để đổ rác”, Tâm Phan chia sẻ.

Nhân chuyện Tây nhặt rác, tôi xin kể chuyện rác ở Thụy Sĩ. Hồi trước ở Genève thì rác gì cũng trút hết vào cái túi đen rồi bỏ chung vô thùng rác của tòa nhà chung cư. Giờ chuyển sang sống ở canton Vaud (vùng/bang khác) thì rác là cả một hệ thống nghiêm túc không thể không quan tâm.

Cú sốc đầu tiên là túi rác giá 30chf = 700,000 đồng/cuộn/10 túi 35 lít. Đắt gấp 10 lần túi rác bình thường. Túi rác này khác túi rác thường ở chỗ màu trắng, in chữ màu xanh của công ty môi trường. Nếu không dùng túi này mà vứt rác bằng túi màu đen thì nhân viên thu gom rác sẽ không mang đi, cho nên bắt buộc người dân ở đây phải mua túi trắng.

Lý do túi rác đắt vậy là vì nó đã bao gồm thuế, dùng tiền đó để trả lương cho nhân viên thu gom rác. Bù lại, khu vực dân cư nào cũng có Déchetterie là nơi đổ rác tái chế, tưởng là miễn phí nhưng nhà tôi vẫn phải nộp 110chf = 2.5 triệu/ người/năm.

Vì túi rác đắt quá nên nhà tôi tự dưng có ý thức phân loại rác cao ngùn ngụt. Bất kỳ cái gì thuộc về nylon, plastic gom vào 1 thùng, giấy 1 thùng, chai lọ thủy tinh 1 thùng (thủy tinh trắng riêng, thủy tinh màu riêng), hộp thiếc lon bia 1 thùng, cành cây gẫy củi khô 1 thùng, chổi cùn giẻ rách 1 thùng.

Riêng thức ăn rau củ quả, vỏ trứng, bã trà thì bỏ riêng 1 thố để làm phân bón vườn nhà. Bánh mì khô cũ cho vào túi giấy để dành cho chim ăn hoặc mang ra hồ cho bọn thiên nga. Sau khi phân loại xong thì rác còn rất ít, chủ yếu là thức ăn thừa, xương động vật.. bỏ vào cái túi rác 70.000.

Mỗi tuần 1 hộ cũng chỉ xài hết 1 cái túi rác đó thôi. Nhưng ý thức tái chế, bảo vệ môi trường lại rất tốt, rút cái khăn giấy lau mồm thôi cũng phải tiêu chuẩn mỗi đứa 1 cái/1 bữa ăn.

{keywords}
Khu Déchetterie nhà Tâm Phan giống mô hình này, rác được phân loại rất trật tự ngăn nắp.

Mỗi sáng thứ 7 Jenna lại theo bố đi déchet đổ rác tái chế. Nàng rất háo hức và gọi đó là Treasure hunt (đi săn báu vật) và quả đúng như vậy. Có nhiều đồ tốt như đồ gia dụng hay đồ chơi người ta không dùng đến thì cũng mang ra đây vứt. Mỗi hôm Jenna lại mang về vài thứ "quí báu" như chiếc túi lông chồn (lông thật), vỏ điện thoại xì tin, đồ chơi cho em bé..v..v..

Có hôm nhà mình đang đi chơi, mẹ hàng xóm gọi điện bảo: tao đang ở Déchet, có chiếc xe nôi hiệu Maclaren còn mới lắm, có lấy không để tao mang về cho. Cả phao bơi cho em bé còn nguyên hộp và nhãn mác. Vâng, nhà tôi xin tất.

Nói ra thì cũng hơi xấu hổ, hồi đầu mới chuyển đến đây nhà tôi mua túi rác to loại 110 lít giá 140k/túi. Sau thấy tốn kém quá, nhà tôi mang rác sang Pháp vứt. Khổ, người ta đi Pháp để tham quan thắng cảnh, nhà tôi đi Pháp để đổ rác.

 

{keywords}
Nhà văn Tâm Phan.

Có lần nghe hàng xóm kể có nhà kia cũng mang rác sang Pháp đổ nhưng bị cảnh sát ở biên giới Pháp bắt quả tang và phạt tiền. Khổ nỗi mẹ đấy đi (xe hơi) đổ rác, mặc pyjama không mang theo tiền, bị người ta áp giải về tận nhà lấy tiền nộp phạt, xấu hổ quá.

Nhà tôi nghe thế sợ quá nên thôi không sang Pháp đổ rác nữa, lại nghiến răng mua túi rác tiếp.

Từ lúc đẻ em bé thì túi rác đầy liên tục vì bỉm thối của em, phải xài túi rác gấp đôi gấp ba bình thường. May hôm lên đình làng khai báo thêm nhân khẩu, người ta bảo: "nhà có baby thì được phát túi rác miễn phí" xong bả mang 5 cuộn túi rác trị giá 3.5 triệu đồng cho mình. Ối zồi ôi, tôi mừng như bắt được vàng, ôm 5 cuộn túi rác vào người như ôm vàng nuôn, về khoe với chồng cứ như trúng xổ số.

Nhà văn Tâm Phan (Từ Thụy Sỹ)