Anh Vũ Hoàng Hải cho biết, mỗi tiểu bang có một quy định khác nhau trong bài thi lý thuyết và thực hành nhưng không đáng kể, về cơ bản là đồng nhất. Điển hình như anh Hải từng sinh sống tại Houston, bang Texas thì chính quyền sở tại không yêu cầu người dân tại đây thi thực hành trên cao tốc.
“Thi lái xe tại Mỹ dễ hơn ở Việt Nam”
Chia sẻ với Zing, anh Đặng Ngọc Huy Danh, 23 tuổi, bạn của anh Hải hiện sinh sống tại Las Cruces, New Mexico cho biết vì các thành phố ở tiểu bang này không quá đông dân nên trong bài thi thực hành, anh không cần phải thi hạng mục đỗ xe song song, tuy nhiên cần học và thi phần chạy trên cao tốc.
Về cơ bản, người dân tại Mỹ chỉ cần nắm vững lý thuyết. Nếu dưới 21 tuổi, trước khi thi lý thuyết thì người dân Mỹ phải thi chứng chỉ Driving Under the Influence (DUI), nhằm mục đích cam kết không được lái xe khi đã uống rượu bia. Sau khi thi đậu lý thuyết, chính quyền sở tại sẽ cấp một bằng lái tạm thời, có giá trị sử dụng trong vòng 6 tháng.
Anh Vũ Hoàng Hải khi còn sinh sống tại Mỹ. Ảnh: NVCC |
Trong vòng 6 tháng được cấp bằng tạm thời, người dân Mỹ được phép tự lái xe, nhưng bắt buộc trên xe phải có một người có bằng lái chính thức trên 3 năm và trên 21 tuổi, đồng thời chỉ được chở duy nhất một người.
Điều này đồng nghĩa người hành khách đi cùng kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn lái xe nên người dân Mỹ không cần phải tập lái xe trong sa hình như tại Việt Nam. Theo chia sẻ của anh Hải và anh Danh, tại Mỹ vẫn có những trung tâm đào tạo lái xe, tuy nhiên số tiền bỏ ra không xứng đáng nên phần lớn người dân Mỹ không tìm đến loại hình dịch vụ này.
Anh Danh cũng cho biết thêm, vì chính sách cởi mở trong việc tập lái xe nên nhiều khi anh cũng gặp những tình huống “dở khóc dở cười” khi cầm lái xe trên đường với những người đang tập lái.
Anh Hải cho biết cơ sở hạ tầng cao tốc tại Mỹ khá tốt, thậm chí việc di chuyển trên đường cao tốc còn dễ hơn việc di chuyển trong thành thị. Cao tốc tại Mỹ đa phần sẽ có 4-6 làn đường. Đặc biệt có một số cao tốc chỉ có 2 làn đường nhưng vẫn rất rộng, đủ phù hợp cho tất cả các loại phương tiện, đi kèm với đó là hệ thống sơn phản quang tốt, thay cho đèn đường để tiết kiệm năng lượng.
Một góc hệ thống đường cao tốc tại Mỹ. Ảnh: Safety+Health Magazine. |
“Hệ thống cầu vượt và lối ra cũng dễ quan sát với hệ thống biển báo dày đặc. Có những nơi có đến 4 tầng cầu vượt nhưng vẫn di chuyển dễ dàng. Đa phần xe di chuyển trên đường cao tốc đều chạy Cruise Control. Tai nạn giao thông cũng chỉ xảy ra ở các đoạn nối vào khu vực đông dân cư”, anh cho biết thêm.
Chính vì thế về phần thi thực hành chạy trên cao tốc ở Mỹ, anh Hải cho biết ngoài những thao tác an toàn cơ bản bắt buộc như thắt dây an toàn, kiểm tra gương chiếu hậu, đèn xe..., người dân Mỹ chỉ cần chạy đúng tốc độ, giữ khoảng cách với xe phía trước, thực hiện chuyển làn an toàn và đọc biển báo là đủ đậu thực hành. Tổng quan, anh Hải lẫn anh Danh đánh giá việc thi bằng lái xe ở Mỹ không phức tạp và dễ hơn Việt Nam.
Tập lái trên đường cao tốc tại Việt Nam khá khả thi
Anh Hải cho biết việc tập lái xe trên đường cao tốc là là khả thi trong tình hình hiện nay tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp học viên rèn luyện các kỹ năng đặc thù cho loại đường này.
“Người giám sát có thể kiểm tra học viên trong quá trình lái xe có chú ý hệ thống gương chiếu hậu thường xuyên hay không, có tập trung khi lái xe không, thao tác chuyển làn đường có an toàn hay không (khoảng cách giữa xe phía trước/sau hoặc chướng ngại vật), vì thường tốc độ trung bình trên cao tốc đều vào khoảng 120 km/h, chỉ cần đánh lái nhẹ thôi là xe đã chuyển sang làn khác, hay lơ là một tí thôi cũng sẽ xảy ra tình trạng đáng tiếc”, anh Hải cho biết.
Đồng thời, để thực hiện được điều này, anh Hải cũng cho rằng cơ sở hạ tầng về đường cao tốc tại Việt Nam nên được nâng cấp và cải thiện thường xuyên để tránh những tình trạng đáng tiếc trong quá trình tập lái xe trên cao tốc, điển hình như phần làn đường khẩn cấp nên làm rộng hơn và kẻ thêm vạch gây rung để giúp người lái khi buồn ngủ hoặc mất tập trung có thể lấy lại sự tỉnh táo và tấp vào lề an toàn nếu gặp sự cố.
Hàng nghìn km cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đang được thi công. Ảnh: Phạm Ngôn. |
“Mặc dù lái xe thuần thục tại Mỹ rồi, khi về Việt Nam tôi vẫn cảm thấy khó hơn nhiều”, anh chia sẻ thêm.
Chia sẻ thêm với Zing, anh Hải nhận định ba bài tập quan trọng nhất trong việc tập lái xe là đỗ xe song song, chuyển làn an toàn và đọc biển báo giao thông.
“Đỗ xe song song là một bài tập bổ ích vì sử dụng ngoài đời rất nhiều, đặc biệt là ở đường phố Việt Nam. Tôi cũng nhận thấy nhiều tài xế tại đây chuyển làn và rẽ trái/phải không quan sát. Nếu mắc phải lỗi này trong bài thi thực hành tại Mỹ sẽ bị trừ điểm rất nặng. Đọc biển báo cũng quan trọng vì số lượng tai nạn giao thông xảy ra nhiều tại Mỹ cũng vì lỗi này”, anh cho biết.
Chiều 15/7, tại buổi sơ kết 6 tháng đầu năm của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe, đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo. Trong bối cảnh hàng nghìn km đường cao tốc đang được thi công và đưa vào sử dụng trong 5 năm tới, đề xuất này nhận được sự quan tâm. Bên cạnh những ý kiến đồng tình bởi sự cấp thiết, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về cơ sở hạ tầng đào tạo và tính thực tiễn khi tăng giờ học thực hành, thậm chí nhiều người tỏ ra không đồng tình vì sẽ khiến giao thông trên cao tốc rắc rối hơn. |
Theo ZingNews
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!