Lời tòa soạn

Mới đây, Bộ Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện công lập triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth) trong năm 2023, giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng và giảm tải cho y tế tuyến trên.

Thực hiện VTelehealth được xem là cấu phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số hoạt động khám, chữa bệnh và quản lý toàn diện sức khỏe nhân dân trên môi trường mạng.

Đến nay, thuật ngữ “khám chữa bệnh từ xa”, “chuyển đổi số” không còn xa lạ với các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, nhưng thực tế còn rất nhiều khó khăn để mang lại giá trị cho thầy thuốc và bệnh nhân, đặc biệt là tuyến huyện, xã. VietNamNet đăng tải loạt bài “Khám chữa bệnh từ xa không còn xa khi chuyển đổi số”, phản ánh những hiệu quả, thách thức của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Kỳ 1: Giờ "lên lớp" đặc biệt ở Bệnh viện Việt Đức

Kỳ 2: Bệnh viện "đau đầu" vì kinh phí chuyển đổi số

Chuyển đổi số y tế sẽ cắt giảm chi phí phát sinh cũng như thời gian chờ đợi. Để chuyển đổi số, dữ liệu đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, hiện nay dữ liệu y tế nước ta đang nằm rải rác, phân mảnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là một trong những yếu tố "kìm hãm" tốc độ chuyển đổi số ngành y tế. 

Mỗi bệnh viện cần hình thành một kho dữ liệu

Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), trước đây, chúng ta ứng dụng tin học hóa để giải quyết một số bài toán nghiệp vụ trong khám chữa bệnh. Ví dụ bệnh viện chỉ triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện vì chỉ có nhu cầu quản lý công tác khám chữa bệnh. Nếu chuyển số y tế, CNTT phải được ứng dụng tổng thể, toàn diện, các phần mềm phải được liên thông với nhau.

“Vậy nhưng có bệnh viện triển khai tới 20 phần mềm nhưng dữ liệu không được liên thông, chia sẻ”, ông Nam chia sẻ thực trạng. Để chuyển đổi số phải hình thành quy trình liên thông dữ liệu. Khi dữ liệu trong từng cơ sở bị phân mảnh, rời rạc, việc chuyển đổi số của chính bệnh viện đó không thể thực hiện nổi.

Bác sĩ đọc hồ sơ bệnh án của bệnh nhân bằng việc quét mã QR trên tay người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Ảnh: Thạch Thảo 

Do vậy, theo ông Nam, việc đầu tiên là các bệnh viện phải liên thông dữ liệu, các phần mềm phải kết nối và chia sẻ được với nhau. Muốn vậy, mỗi bệnh viện phải hình thành kho dữ liệu để đón nhận dữ liệu từ các phần mềm được quản lý tập trung và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ phận.

Ngoài ra, các địa phương cũng phải hình thành kho dữ liệu y tế, để các cơ sở khám chữa bệnh liên thông dữ liệu vào đó. Khi người dân đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện khác nhau, dữ liệu khám chữa bệnh sẽ được liên thông. Các cơ sở, các địa phương kết nối về Bộ Y tế là cơ quan Trung ương quản lý về khám chữa bệnh và sẽ hình thành kho dữ liệu y tế của ngành. Kho dữ liệu này sẽ kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ công tác quản lý, điều hành của Chính phủ.

Để các bệnh viện thống nhất, liên thông dữ liệu, tránh tình trạng 20 phần mềm nhưng bản chất không chuyển đổi số, ông Nam cho hay tới đây Bộ Y tế đã có kế hoạch thúc đẩy các nền tảng số tại các cơ sở khám chữa bệnh, trọng tâm là nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử. Cục sẽ hướng dẫn cụ thể hơn cho các bệnh viện về việc triển khai kho dữ liệu chuẩn hóa để kết nối đồng bộ trong một cơ sở khám chữa bệnh, một địa phương với nhau và từ địa phương về Bộ Y tế, từ Bộ Y tế kết nối với Chính phủ.

Bao giờ bỏ được bệnh án giấy?

Hiện Cổng thông tin điện tử của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) đã ghi nhận có 44 bệnh viện triển khai thành công bệnh án điện tử và không dùng bệnh án giấy. Trong đó, một số cơ sở vùng xa như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái hay 70% các bệnh viện, trung tâm y tế ở Phú Thọ. 

"Ở đây phải nhấn mạnh việc 'không dùng bệnh án giấy', vì có nhiều bệnh viện đã bước đầu triển khai bệnh án điện tử, nhưng chưa đạt đến mức không dùng bệnh án giấy", ông Nam nói. 

Một khảo sát trên 732 cơ sở khám chữa bệnh (chiếm hơn 50% tổng số bệnh viện trên cả nước) do Cục Quản lý Khám chữa bệnh mới công bố giữa tháng 11/2022 cho thấy còn hơn 32% cơ sở chưa triển khai bệnh án điện tử. Trong số các cơ sở đã thực hiện, mới có 3% đơn vị có phần mềm quản lý được ghi chép của hồ sơ bệnh án đã được thẩm định và bỏ bệnh án giấy. 

Hiện cả nước mới có 44/1.300 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bỏ bệnh án giấy. Ảnh: Chí Hùng

So với tổng số 1.300 bệnh viện trên cả nước, con số 44 đơn vị hay 3% là rất nhỏ. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng chuyển đổi số y tế rất khó và phức tạp từ nghiệp vụ đến các vấn đề liên quan trong điều chỉnh quy trình khám chữa bệnh.

"Quy trình khám chữa bệnh và chăm sóc cho người dân ảnh hưởng đến tính mạng nên phải thận trọng và chặt chẽ. Các tiêu chuẩn hệ thống trong đó phải đảm bảo các yếu tố về nghiệp vụ, về an toàn thông tin và các vấn đề pháp lý, dẫn đến các đơn vị cũng triển khai chậm để đạt được mức bệnh án điện tử thay bệnh án giấy", ông nói. 

Ông Nam cho rằng hiện kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản, các bệnh viện đã sẵn sàng bỏ bệnh án giấy, vấn đề còn liên quan đến nguồn lực đầu tư. Ảnh: TL

Ngoài ra, việc triển khai bệnh án điện tử cần phải đầu tư hạ tầng cơ sở, đây chính là điểm khó khăn nhiều nơi gặp phải. Để giải quyết việc này, Cục đang rà soát, đánh giá và hướng dẫn, thậm chí có thể sẽ sửa đổi hướng dẫn quy định về bệnh án điện tử để tháo gỡ khó khăn, giúp bệnh viện dễ dàng thực hiện, thúc đẩy triển khai nhanh hơn. Bởi hiện nay có một số công nghệ mới giúp thực hiện nhanh chóng, thay vì tự đầu tư, như thuê dịch vụ hạ tầng, thông qua đó nhanh chóng triển khai bệnh án điện tử. Trước đây, bệnh viện phải tự đầu tư, mà đầu tư thì một quy trình mất hàng năm trời, chưa kể xin kinh phí.

Theo Quyết định 2955 của Bộ Y tế ban hành cuối tháng 10/2022, ngành đặt mục tiêu giai đoạn 2025-2030, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không dùng bệnh án giấy. Ông Nam khẳng định đến nay, về mặt kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản, các bệnh viện đã sẵn sàng. Tuy nhiên, còn liên quan đến nguồn lực đầu tư. Hầu hết các bệnh viện đều được quản lý ở các địa phương. Khi đẩy mạnh CNTT, bệnh án điện tử, nếu các địa phương quan tâm tạo điều kiện bố trí kinh phí cho các bệnh viện, thì năm 2025 hoàn toàn có thể triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy.

Khi nào hết cảnh xếp hàng, bốc số khám bệnh?

Khi mô hình khám chữa bệnh từ xa được nhân rộng ra tất cả cơ sở y tế nói riêng và quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế được thực hiện bài bản, việc khám chữa bệnh của người dân chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.

Kỳ 4: Khi nào hết cảnh xếp hàng, bốc số khám bệnh: Bài phân tích của PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) để làm rõ khái niệm chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là gì.

Bệnh viện ‘đau đầu’ vì kinh phí chuyển đổi số

Bệnh viện ‘đau đầu’ vì kinh phí chuyển đổi số

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Bệnh viện Việt Đức, nguồn chi phí đầu tư cho chuyển đổi số do các cơ sở y tế tự chi trả. Tuy nhiên, công nghệ thông tin chưa được tính vào các yếu tố cấu thành lên giá dịch vụ y tế.
Giờ 'lên lớp' đặc biệt ở Bệnh viện Việt Đức

Giờ 'lên lớp' đặc biệt ở Bệnh viện Việt Đức

Trước khi buổi hội chẩn khám chữa bệnh từ xa diễn ra, hình ảnh chụp chiếu, xét nghiệm, tình trạng hiện tại của 6 ca bệnh cần xin ý kiến đã được gửi qua thiết bị cá nhân của PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh.