- "Quốc hội của chúng ta không phải là Quốc hội chuyên trách mà là cơ quan đại diện. Sự tham gia của Chính phủ vẫn rất cần thiết. Nhưng so với trước kia, từ khóa XII đến nay, số thành viên Chính phủ trong Quốc hội đã giảm nhiều", Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chia sẻ với báo chí bên hành lang hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất sáng nay (23/2).
Nhiều thành viên UB TƯ MTTQ đề nghị giảm đại diện các cơ quan hành pháp trong Quốc hội. Vậy Ủy ban Thường vụ QH có xem xét lại vấn đề này?
- Tổng số ĐBQH khóa XIII là 500 người. Chỉ điều chỉnh cơ cấu nhưng không vì coi trọng cơ cấu mà bỏ qua tiêu chuẩn.
Chất lượng ĐBQH vẫn là yếu tố cơ bản, quyết định để bảo đảm hiệu quả hoạt động QH, cơ quan quyền lực cao nhất. Do đó, tuy đưa ra cơ cấu xong phải coi trọng kinh nghiệm hoạt động, bản lĩnh đại biểu.
Còn về đề xuất bớt số người trong các cơ quan hành chính, hành pháp thì chủ trương này không phải đến hôm nay mới bàn, mà đã bàn từ khóa trước rồi. Ta đã giảm dần số lượng ĐBQH ở các cơ quan hành pháp, tư pháp.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu. Ảnh: Hoàng Long
Sang khóa mới, dự kiến trong khối Chính phủ chỉ có 15 người, gồm Thủ tướng, 3 phó thủ tướng và 11 trong số 22 thành viên chính phủ.
QH của chúng ta không phải là QH chuyên trách mà là cơ quan đại diện. Sự tham gia của Chính phủ vẫn rất cần thiết. Nhưng chỉ có đại diện các bộ đảm đương trọng trách kinh tế, tổng hợp, an ninh quốc phòng.
Nhưng lần này, MTTQ tiếp tục đề nghị bớt thêm thì tôi sẽ báo cáo với Thường vụ QH.
Ông vừa nói không vì cơ cấu mà coi nhẹ tiêu chuẩn. Nhưng khi đã ấn định cơ cấu cứng như vậy rồi, liệu có gây khó khăn cho các cơ quan tổ chức hiệp thương để chọn người đủ tiêu chuẩn đáp ứng đúng cơ cấu?
- Cơ cấu cứng được hiểu thế này. Ví dụ ở khối Đảng có 10 người được tham gia ứng cử ĐBQH, các cơ quan Đảng phải có nhiệm vụ lựa chọn ra những người đảm bảo tiêu chuẩn thực sự tiêu biểu để giới thiệu. Vậy là chúng ta đáp ứng được cả cơ cấu lẫn tiêu chuẩn. Cử tri sẽ lựa chọn.
Thực tế hoạt động của ĐBQH cho thấy rất rõ là có thể không phải tất cả ĐBQH đều phát huy được trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và tham gia các hoạt động, mà cũng chỉ một phần lớn bộ phận đó thôi.
Còn một bộ phận chưa phát huy hết vai trò của mình. Nên vấn đề không phải là số lượng đông mà là chất lượng.
Tỷ lệ người ngoài Đảng lần này vẫn chỉ là 10 - 15% trong khi MTTQ muốn tăng lên ngoài 20%, ý kiến của ông?
- Điều này đều đã có trong dự kiến và theo định hướng.
Vấn đề là cần phải hiệp thương lựa chọn thế nào để chọn được những người ngoài Đảng nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện mà luật đã quy định về tiêu chuẩn.
Ông Trương Quang Phú cho rằng phải có đại diện Việt kiều và không nên tách họ khỏi cuộc bầu cử lớn này. Ủy ban Thường vụ cân nhắc ý kiến này thế nào?
- Trong lần sửa đổi Luật bầu cử vừa qua đã tính đến đối tượng này.
Nhưng phải thấy rằng, ĐBQH phải là người có đủ điều kiện tham gia QH, như luật định là dành ít nhất 1/3 thời gian tham gia. QH mỗi năm họp 2 kỳ, mỗi kỳ hơn 1 tháng, chưa kể trước và sau mỗi kỳ họp thì ĐBQH phải đi tiếp xúc cử tri, tham gia nhiều hoạt động như giám sát, hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban QH nữa. Thứ hai là cử tri chưa có đủ điều kiện, chưa có cơ chế để giám sát hoạt động của ĐB là Việt kiều, cho nên bây giờ là vấn đề mới mở ra.
Chúng ta muốn có đại biểu người VN ở nước ngoài tham gia, nhưng trong luật vẫn chưa dự kiến, thì tôi nghĩ là vẫn phải nghiên cứu thêm.
Ông nghĩ sao về đề xuất bổ sung tỷ lệ doanh nhân vào QH để tăng sức nặng khi thảo luận và quyết định các vấn đề kinh tế lớn?
- Theo như cơ cấu, ta nói là khối doanh nghiệp nhà nước có 4 đại biểu nhưng đó là 4 cơ cấu cứng.
Thực chất, ngoài cơ cấu cứng đó, còn dư ra 93 đại biểu giao về các địa phương.
93 đại biểu này có thể tùy từng địa phương để chọn đại diện lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, kinh tế... Do đó khi bầu không chỉ dừng lại ở 4 người mà có thể sẽ tăng lên mấy chục người.
Ví dụ như ở khóa XII hiện nay có đại diện của 4 DNNN và 26 doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác. Từ quá trình hiệp thương sẽ chọn ra được thôi.