- Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống quanh nghĩa trang Vĩnh Yên (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) sống khổ sở trước thực trạng nghĩa trang quá tải. Nguồn nước bị ô nhiễm nặng, khách đến nhà không ai dám uống….

TIN BÀI KHÁC

Nơi người chết “hành” người sống

Chạy dọc sườn núi Trống, nghĩa trang TP Vĩnh Yên thường được gọi bằng tên khác là nghĩa trang cây số 4. Được xây dựng vào khoảng năm 2002, sau nhiều lần mở rộng, hiện tại diện tích được nâng lên 12 ha nhưng vẫn quá tải, không thể đáp ứng được nhu cầu người dân.

Trong các đợt tiếp xúc cử tri và những kỳ họp HĐND gần đây, xã Định Trung (TP Vĩnh Yên), một trong những địa phương nằm cạnh nghĩa trang TP Vĩnh Yên liên tục có các ý kiến phản ánh về việc nghĩa trang TP gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Tất cả các cử tri đồng loạt có ý kiến bày tỏ nguyện vọng TP Vĩnh Yên cần đóng cửa nghĩa trang cây số 4 và qui hoạch xây dựng nghĩa trang mới.

Ông Hoàng Văn Cường, trưởng thôn Tấm (xã Định Trung) than vãn: Người dân thôn Tấm bị mồ mả áp sát tận vách rồi. Môi trường ô nhiễm, nguồn nước sinh hoạt, không khí đều mất vệ sinh. Dân chúng tôi khổ lắm. Chưa kể, ruộng vườn, đất đai cũng không sản xuất được vì ô nhiễm. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị chuyển nghĩa trang xa khu dân cư nhưng vẫn chưa thấy gì.

“Khổ nhất vẫn là nguồn nước sinh hoạt. Do ở xa trung tâm nên 100% người dân khu vực này đều phải sử dụng nước giếng khoan. Khách các nơi đến chơi nhà pha nước mời họ không dám uống vì lợm. Ruộng nương cũng không sản xuất được vào mùa mưa vì rác thải, xác vòng hoa, nhà táng, xốp từ trên nghĩa trang tuồn xuống lấp kín cả cánh đồng Lọi. Đường sá thành ao, vườn tược bị nước trên núi xói mòn, trồng cây gì cũng không thấy mọc”, ông Hoàng Xuân Vân, một người dân ở thôn Tấm phàn nàn.

{keywords}
Thực trạng nghĩa trang TP Vĩnh Yên

Được biết, ở các khu vực lân cận thôn Tấm, người dân đã sử dụng nước máy để sinh hoạt, nhưng với người dân nơi đây, điều ấy quá xa vời. Chi phí cấp nước sạch khá cao trong khi đời sống người dân còn khó khăn nên họ chọn cách đào, khoan giếng để lấy nước sinh hoạt, dù biết chắc chắn rằng phải chịu ô nhiễm rất nặng. “Nhiều gia đình khi khoan giếng ngửi thấy nước có mùi tanh, khó chịu khủng khiếp. Ai cũng nghĩ dùng nước giếng khoan cạnh nghĩa trang sẽ bị bệnh tật nhưng vẫn phải dùng”, trưởng thôn Cường cho biết.

“Sống chung” với người chết

Người sống khổ đến mấy còn có thể chịu, sợ nhất là có lỗi với người đã khuất. Ông Vân kể rằng, bản thân ông đã từng chứng kiến một số trường hợp cả gia đình quỳ khóc lóc bên phần mộ người lạ mà cứ tưởng đó là mộ của bố mẹ mình. Mãi đến khi cải táng, phát hiện nhiều vật dụng khi chôn cất không có mới biết là nhầm.

“Đất nghĩa trang bị quá tải, không thể qui hoạch nên những trường hợp mộ bị thất lạc xẩy ra thường xuyên. Chỉ cần một thời gian không lên thăm nom mồ mả thì rất dễ bị thất lạc do đất nghĩa trang bây giờ không còn nữa, các ngôi mộ nằm rải rác chứ không qui tập được gần nhau. Dân ở đây bây giờ nhiều nhà có người chết nhưng không vào được nghĩa trang Vĩnh Yên mà phải đi sang các vùng lân cận mua đất xây mồ mả. Một số trường hợp chọn cách hỏa táng để tiết kiệm đất, nhưng do tỉnh Vĩnh Phúc chưa có Đài hóa thân hoàn vũ nên phải di chuyển thân nhân xuống Hà Nội. Rất khổ và nhiều bất cập lắm”, ông Vân than.

Người dân thôn Tấm dẫn chúng tôi đi một vòng quanh nghĩa trang Vĩnh Yên. Họ kể, khi mới qui hoạch xây dựng, các ngôi mộ đều theo một hướng “đầu gối sơn, chân đạp thủy”, hàng lối so le nhau khá đẹp, lại cách nhà dân khá xa. Còn bây giờ, mồ mả san sát, ken kín, hầu như chẳng còn chỗ trống nào.

Nhiều gia đình nằm sát sạt những ngôi mộ mới đắp, cứ như thể sống chung với người chết vậy. Một cơn mưa đêm trước đã kéo theo nhiều vòng hoa ập vào ruộng vườn người dân. Nhưng hơn hết là nỗi lo “chết không có đất chôn” dần hiện hữu. Hai người đàn ông đánh ô tô lên hỏi BQL nghĩa trang Vĩnh Yên mua đất, họ mang theo khá nhiều tiền nhưng năn nỉ mãi vẫn không mua được. “Nghĩa trang chật ních rồi. Nhiều gia đình ông bà, bố mẹ nằm mỗi người một nơi, muốn qui tập lại gần nhau để tiện bề hương khói, đỡ bị thất lạc nhưng không còn đất nữa. Mấy năm nay, để tiết kiệm đất, BQL nghĩa trang Vĩnh Yên xây các phần mộ để sẵn, mỗi ngôi chỉ được tầm 2m2 nhưng bây giờ cũng đã hết. Không còn một tấc, cả thành phố tập trung về đây, đất nào mà kham cho nổi”, ông Bạch Văn Trung, Trưởng BQL nghĩa trang Vĩnh Yên phân tích.

Những bất cập trong việc nghĩa trang Vĩnh Yên quá tải hầu như ai cũng biết, nhưng cần phải làm gì để giải quyết thực trạng quá tải của nghĩa trang Vĩnh Yên hiện nay? Ông Dương Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Sơn thẳng thắn nhìn nhận: Người dân sống cạnh nghĩa trang khổ thật, nguồn nước ô nhiễm thật, nghĩa trang Vĩnh Yên quá tải rồi, hiện chưa biết xử lý theo hướng nào.

Theo ông Sơn, TP Vĩnh Yên từng có ý định mở rộng nghĩa trang nhưng phương án này xem chừng rất khó khả thi bởi quỹ đất gần như đã hết, nếu mở rộng phải thu hồi ruộng của người dân thôn Tấm. “Phương án mở rộng nghĩa trang khó có sự đồng thuận của người dân vì họ vừa mất ruộng vừa chịu ô nhiễm nặng nề hơn. Một khi đưa mồ mả xuống ruộng thì nguồn nước sinh hoạt chắc chắn càng bị ảnh hưởng. Một phương án nữa là di dời các hộ dân khu vực thôn Tấm đi tái định cư nơi khác, nhưng phương án này cũng không ổn do gặp khó khăn trong việc bố trí nơi ở mới. Để tiết kiệm diện tích đất nghĩa trang, nhiều người dân tổ chức hỏa táng cho người đã mất, nhưng làm cách đó vừa rất kém vừa phải đưa xuống Hà Nội nên rất nhiều bất cập. Thành ra nếu có cách nào tốt nhất thì đó là việc nên đóng cửa nghĩa trang TP Vĩnh Yên hiện nay và xây dựng thêm một nghĩa trang mới”, ông Sơn cho biết thêm.

Hoàng Sang

 Thôn Tấm có 89 hộ dân. Mấy chục năm trước họ chuyển từ Tích Sơn lên khai hoang ở khu vực này. Dù xét ở góc độ nào thì thôn Tấm vẫn thuộc loại khó khăn nhất TP Vĩnh Yên. Đất đai canh tác ít, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất không có… Đã thế, kể từ khi xây dựng nghĩa trang TP Vĩnh Yên mồ mả cứ lấn dần rồi bao bọc, co hẹp đời sống người dân. Bây giờ, cả thôn nằm lọt thỏm giữa bốn bề mồ mả. Những cơn sốt đất xây mộ biến nghĩa trang TP Vĩnh Yên trở nên quá chật chội. Mồ mả lấn vào cả vườn của nhiều gia đình trong thôn.