Chia sẻ trên kênh TikTok, Rikki Jump, giám đốc nhà xuất bản sách ở Austin (bang Texas, Mỹ), kể về lần cô trả thù bạn trai cũ, người từng “cắm sừng” mình. Cô tự tin nghĩ rằng sự việc khá hài hước và mọi người sẽ thông cảm, đồng tình với hành động của cô.
Thế nhưng, câu chuyện lại phản tác dụng. Hiện Jump đang bị tấn công dữ dội trên mạng xã hội với vô số lời đe dọa bạo lực, Insider đưa tin.
Video kể chuyện ban đầu của Jump đã bị xóa khỏi nền tảng. Nhưng theo New York Post đưa tin, sau khi phát hiện người yêu lừa dối mình lần thứ hai, Jump đã trả thù bằng cách gỡ bỏ toàn bộ lớp học phần tại đại học của người đàn ông này, đồng thời chuyển tất cả tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm để anh ta bị tính phí thấu chi.
“Tôi muốn làm rõ rằng dù vậy, anh ta vẫn ổn. Bạn trai cũ của tôi thực tế không phải chịu bất kỳ khoản thấu chi nào và vẫn tham dự đầy đủ các lớp học. Nếu anh ta phải gánh hậu quả tiêu cực nào, tôi đã cố gắng khắc phục rồi và chẳng dám ngồi đây kể lại câu chuyện”, cô nói với New York Post.
Sau khi được đăng tải trên TikTok, câu chuyện thu hút vô vàn bình luận. Một số tài khoản tán dương, khen Jump là cô gái mạnh mẽ. Nhưng nhiều người lại chỉ trích Jump, thậm chí cáo buộc hành vi của cô đủ cấu thành tội phạm.
“Hy vọng cô ấy sẽ ngồi tù. Và ngồi thật lâu vào”, một người viết.
Sau vài ngày bị tấn công trên Internet, Jump đã quay lại trang cá nhân vào ngày 15/2 để chia sẻ vài suy nghĩ của mình. Cô nói rằng sai lầm lớn nhất của mình là đã không làm rõ sự việc xảy ra gần 15 năm trước, và cô không tự hào về hành vi đó. Mặt khác, cô lựa chọn kể câu chuyện vì giả định rằng người xem có thể thấy “hài hước”.
“Đáng lẽ, câu chuyện sẽ buồn cười như thể bạn thú nhận từng lấy trộm xe hơi của mẹ ngay trong bữa ăn đoàn tụ gia đình dịp lễ”, cô nói.
Jump nói rằng hành vi của mình không phải tội phạm, và mối quan hệ giữa cô và người yêu cũ “khá tốt đẹp”. Nhưng sự căm ghét, hận thù đã đi quá xa. Jump cho biết một số người đàn ông nói rằng họ muốn tấn công cô.
Sự cố lần này cũng ảnh hưởng nhiều về hình ảnh của Jump.
“Nếu bạn không phải người nổi tiếng, liên tục xuất hiện trong tầm ngắm của công chúng, đây có thể là thứ duy nhất mà mọi người biết đến ở bạn. Bởi vậy, khi đăng một cái gì đó bất cẩn, bạn đã tự đánh mất cơ hội được nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động”, cô nói.
Năm ngoái, mạng xã hội từng xuất hiện trào lưu "bóc phốt" người yêu cũ, điển hình là trào lưu #WestElmCaleb.
Hashtag bắt nguồn sau khi một phụ nữ đăng bài về trải nghiệm hẹn hò không vui vẻ với một nam thanh niên khoảng 20 tuổi. Từ video đó, hàng loạt cô gái khác cho biết mình cũng gặp trải nghiệm tương tự, như bị lừa dối hoặc bị ghosting (bỏ rơi khi hẹn hò qua mạng).
Những "red flag" (tạm dịch: cờ đỏ) - chỉ những dấu hiệu đáng lo ngại trong mối quan hệ - được chia sẻ trên mạng đi từ câu chuyện tổng quan cho đến các chi tiết nhỏ, như bạn trai nhắn tin với người con gái khác, bạn hẹn đột ngột "biến mất" dù đang nói chuyện vui hay hành động không chịu đeo bao cao su khi quan hệ tình dục.
Danh tính của người đàn ông được cung cấp tùy theo mức độ người dùng tiết lộ, chẳng hạn như tên, tuổi hoặc chỉ là ảnh chụp màn hình hồ sơ ứng dụng hẹn hò.
Thế nhưng, những người phụ nữ, với mục đích cố gắng cảnh báo cho người khác, cũng đối mặt với rủi ro khi công khai về đời sống tình cảm của bản thân. Ngoài phản ứng phản đối hoặc chỉ trích từ người xem và đối phương, họ có thể đối diện với cả rắc rối về mặt pháp lý, ngay cả khi không nói ra đầy đủ danh tính người đàn ông.
Theo Zing