Đam mê và chinh phục

Trên trang cá nhân, Trần Ngọc Bảo Nhi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM giới thiệu bức ảnh chụp vật thể trông như khối đá quý đa góc với màu xanh lục ngọc bảo đẹp mắt. Đó là một trong những viên tinh thể mà Nhi vừa “nuôi” thành công cách đây ít ngày.

Dù là sinh viên, Bảo Nhi đã có 3 năm kinh nghiệm trong thú chơi "nuôi tinh thể" đang thu hút giới trẻ. Nữ sinh cho biết, “nuôi tinh thể" là quá trình hình thành một hoặc nhiều mầm tinh thể thông qua liên kết hóa học.

Những viên tinh thể bắt mắt của Bảo Nhi.

Tùy thuộc vào chất hóa học ban đầu, mầm tinh thể khi trưởng thành sẽ có hình dạng, kích thước, màu sắc khác nhau. “Sau khi thành phẩm, chúng đều long lanh, lấp lánh như những viên đá nhiều màu”, Nhi nói.

Bảo Nhi tiếp cận với thú chơi nuôi tinh thể từ cuối năm lớp 10. Năm đó, sau khi hướng dẫn chi tiết cách nuôi tinh thể, giáo viên môn Hóa yêu cầu Nhi về nuôi thử.  

Mày mò theo hướng dẫn, Nhi thành công. Trước vẻ đẹp lấp lánh của viên tinh thể, Bảo Nhi đam mê và quyết định chinh phục thú chơi mới lạ này.

Bảo Nhi tiếp cận thú chơi nuôi tinh thể từ khi còn là học sinh cấp 3.

Cô gái bắt đầu tìm hiểu và nuôi tinh thể từ các chất có sẵn, gần gũi với cuộc sống thường ngày của mình như: muối ăn, bột ngọt, đường… Khi đã thành công, Nhi tiếp tục tìm đến các chất đơn giản và phổ biến như: KH2PO4 và CuSO4…

Nữ sinh chia sẻ: “Tôi tham khảo sản phẩm của các hội, nhóm, anh chị đi trước để học hỏi rồi tìm cách mua nguyên liệu, tự nuôi.

Càng tìm hiểu, càng nuôi, tôi càng bị thú chơi này mê hoặc nên quyết tâm theo đuổi. Đến nay, tôi có thể nuôi những tinh thể là kết quả của các phương trình hóa học phức tạp. Các mẫu tinh thể này có thể phải nuôi từ 1-2 năm mới thành phẩm”.

Sau khi nuôi thành công, Bảo Nhi thường tiếp tục "chăm sóc" để các tinh thể của mình đạt kích thước lớn. 

Hiện, các tinh thể được Bảo Nhi nuôi rất đa dạng và có màu sắc, hình dáng bắt mắt. Tất cả đều được nữ sinh nuôi từ những hóa chất không thuộc dạng cấm và được ứng dụng rộng rãi.

Giảm căng thẳng, có thu nhập

Bảo Nhi cho biết, hiện nay, thú chơi nuôi tinh thể rất hút người chơi, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người tìm đến thú chơi này với lý do bị hấp dẫn bởi màu sắc bắt mắt, hình dạng của tinh thể, dùng làm đồ trang trí, đá phong thủy…

Trong khi đó, nuôi tinh thể giúp Bảo Nhi tìm được nhiều niềm vui trong cuộc sống, học tập. Ban đầu, thú chơi khiến nữ sinh yêu môn Hóa học hơn.

Viên tinh thể K2Na[Fe(C2O4)3].xH2O (bên trái) và tinh thể bột ngọt của Bảo Nhi.

Sau đó, nuôi tinh thể giúp Bảo Nhi giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi từ việc học tập, cuộc sống thường ngày. Mỗi ngày, cô đều dành nhiều thời gian nghiên cứu, chăm sóc, ngắm nhìn những mầm, viên tinh thể lấp lánh sắc màu đang lớn dần của mình.

Cô gái chia sẻ: “Nuôi tinh thể, tôi phải chăm bẵm nó từ lúc chưa có mầm đến khi mầm ấy lớn lên, trở thành viên tinh thể hoàn thiện.

Quá trình ấy cho tôi có cảm giác như mình đang nuôi, chăm sóc một cái cây, thú cưng… từ khi còn bé xíu đến lúc trưởng thành. Và, trong quá trình này, tôi có những cảm xúc, sự thư giãn, niềm vui nhất định…”.

Do thú chơi nuôi tinh thể đang phát triển, Bảo Nhi cũng tìm được thu nhập từ niềm đam mê của mình. Là người có kinh nghiệm, nữ sinh có thể cung cấp những nguyên liệu, vật dụng, hóa chất an toàn nhưng hiếm gặp tại thị trường Việt Nam cho người chơi.

Hiện nay, thú chơi nuôi tinh thể đang thu hút nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Bảo Nhi cũng kinh doanh các tinh thể có màu sắc, hình dáng độc đáo, hiếm gặp… Khách hàng của Nhi đa số là học sinh, sinh viên và những người yêu thích thú chơi mới lạ này.

Thông qua qua việc kinh doanh, Bảo Nhi lan tỏa niềm đam mê, chia sẻ những kinh nghiệm trong thú chơi nuôi tinh thể của mình. Đặc biệt, cô gái cũng khuyến cáo, hướng dẫn người chơi những lưu ý để không gặp nguy hiểm khi tiếp cận với thú chơi.

Cô gái nói: “Mặc dù chỉ tiếp xúc với những hóa chất thông dụng nhưng để an toàn khi tiếp cận với thú chơi này, chúng ta phải đeo bao tay, khẩu trang khi điều chế.

Đặc biệt, người chơi bắt buộc phải rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với tinh thể để tránh những mối nguy tiếp xúc với mắt, mũi, miệng".

Ảnh nhân vật cung cấp