Có lẽ trong cuộc sống thường ngày tại các quốc gia, gồm cả VN, người dân đã trở nên quen thuộc với những hình thức truyền thông, quảng cáo qua pano, áp phích... Đặc biệt, trong đời sống văn hóa, có những sự kiện đáng chú ý, hoặc trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì tiếp thị, quảng cáo là một khâu không thể thiếu trong mọi hình thức, từ tuyên truyền đến kinh doanh, quảng bá những sự kiện văn hóa chính trị, hoặc đơn giản là đem sản phẩm mang đến cho mọi nhà.
Nhưng cũng phải công bằng mà nói, mọi điều quảng cáo, quảng bá, nếu thái quá cũng sẽ gây hiệu ứng ngược. Muốn có những con đường đẹp, hiện đại, có những khu phố xinh đẹp, cổ kính mê hoặc lòng người, thì ngoài cái “hồn” rất riêng của nó, của các công trình kiến trúc, của hàng cây xanh rợp bóng mát, của những vườn hoa đủ sắc màu, du khách và người dân địa phương còn cần một cảm giác nhẹ nhõm, một thị giác không bị mệt mỏi.
Với ý nghĩa đó, thì hiện tượng cả “rừng” băng rôn, pano... trùng trùng điệp điệp như hiện nay nhất là ở các đô thị lớn, mặc nhiên trở thành nỗi ám ảnh vì nhức mắt, thậm chí có những khi gây phản cảm thiếu thẩm mỹ đô thị cho con người, nhất là du khách từ phương xa.
Pano có in hình cô gái với bàn tay 4 ngón. Ảnh: Q.P/ Zing.vn
|
Đặc biệt, lang thang ở bất kì con phố nào trong các đô thị lớn, chúng ta thật dễ dàng nhìn thấy trên những mảng tường, trên thân cây, trụ điện… những dòng chữ rất phản văn hóa từng một thời khiến dư luận báo chí lên án rất dữ, vì nó làm xấu xí đô thị, nay nghiễm nhiên trở lại nhởn nhơ hiện diện ở bất cứ nơi đâu. Đó là những tiếp thị “khoan cắt bê tông”, “mua bán nhà, đất”… chồng chất lên nhau. Thậm chí những dòng chữ ấy còn viết cạnh, dán cạnh những bảng cảnh báo đậm "bản sắc”, như “Cấm đái bậy”.
Người Việt rất yêu quý cây xanh, thế mà, chỉ cần vài cây đinh và một tờ giấy khổ A4, họ đã biến thân cây thành một nơi quảng cáo hữu hiệu với những cách tiếp thị đủ các kiểu. Chưa kể, mỗi khi dừng xe ở ngã tư đèn đỏ, những người đi đường lại phải chịu đựng cách tiếp thị, quảng cáo… di động- đó là việc phát tờ rơi. Người nào cũng cầm, nhìn qua loa một tí rồi thản nhiên thả lại xuống đường. Đèn xanh chỉ vừa bật lên, đám đông xe máy vụt qua, để lại nơi ngã tư toàn “rác” tờ rơi, cứ như nơi đây vừa có một cái chợ tạm, chợ cóc.
Ở một góc độ khác, những nội dung thể hiện ở pano, áp phích quảng cáo cũng còn nhiều vấn đề khiến dư luận XH xì xào, đàm tiếu. Người dân không thể không ôm bụng cười trước khẩu hiệu có nội dung kỳ cục kiểu như “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”...
Thậm chí có những trường hợp, có những pano, áp phích nhằm mục đích tuyên truyền nhưng lại thành “phản” tuyên truyền như bản đồ Việt Nam thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hay pano cô gái mặc áo dài Việt Nam có cánh tay... kỳ dị trong dịp kỷ niệm 30/4 mới đây.
Tất cả những hiện tượng đó cho thấy sự cẩu thả, làm việc tùy tiện, thiếu thận trọng và cả cung cách quan liêu từ trình bày, cho đến thẩm định, phê duyệt của những nhà chuyên môn, nhà quản lý, rất cần phải được chỉnh đốn, khắc phục.
Chúng ta luôn hô hào, mong muốn khắp nơi trong cả nước có những đô thị hiện đại, những đô thị xanh, sạch, đẹp, đủ sức hấp dẫn, quyến rũ du khách thập phương. Thế nhưng, với cách trình bày dày đặc, lớp lớp những pano, băng rôn, quảng cáo nặng tuyên truyền, ít tính thẩm mỹ văn hóa, ngay trên các trục đường chính trong các dịp lễ, hội, tết cổ truyền… vô tình làm phân tâm người đi đường, gây “ô nhiễm thị giác trầm trọng”- như cách nói của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa trên một tờ báo mới đây.
Và hầu như trong các băng rôn giăng khắp các con đường kia đều thấp thoáng bóng dáng của những nhà tài trợ, thực chất là quảng cáo trá hình. Còn lại, nếu là tiền ngân sách, thì đây là một sự lãng phí rất lớn, bởi địa phương nào cũng có cách làm na ná như nhau, nặng về hình thức phô trương nhưng nội dung, cách thể hiện ít có khả năng thẩm thấu vào tình cảm con người, lặp đi lặp lại một cách nhàm chán.
Có người cho rằng, do sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường nên bộ mặt “quảng cáo” nước ta mới như vậy. Song, đừng đổ lỗi cho kinh tế thị trường, ở Singapore, ở Úc hay các nước phát triển khác, họ cũng cạnh tranh kinh tế khốc liệt nhưng cách thức “tuyên truyền” lại rất văn minh, tôn trọng mỹ quan đô thị, tuân thủ theo luật quảng cáo, khẩu hiệu đơn giản rõ nghĩa và không bị lạm dụng.
Cho dù không thể thiếu các khẩu hiệu, băng rôn, nhưng cách xây dựng ý tưởng, trình bày chúng cũng cần có sự đổi mới, có ý nghĩa văn hóa, thẩm mỹ lay thức tâm cảm, nếu không rất nhiều trong số chúng lại vô tình thành phản tác dụng.