Dấn thân vì tình yêu với nông nghiệp hữu cơ

Trước khi bén duyên với nông nghiệp hữu cơ, Quỳnh Vân là kế toán với mức thu nhập khá cao. Tuy nhiên, chị vẫn luôn đau đáu được làm nông nghiệp hữu cơ.

Niềm đam mê với nông nghiệp hữu cơ của chị Vân xuất phát từ những trải nghiệm của tuổi trẻ, những lần tham gia hoạt động thiện nguyện.

Chị nhận thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân phải đối diện với các căn bệnh nguy hiểm là xuất phát từ việc ăn uống không lành mạnh.

"Sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi hiện sử dụng nhiều hóa chất gây ảnh hưởng tới an toàn của người sử dụng. Từ đây, tôi đã hình thành và ấp ủ những dự định với nông nghiệp hữu cơ", Quỳnh Vân trăn trở.

Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình nhưng chị Vân lập nghiệp tại thành phố hoa phượng đỏ. Ở thời điểm chị ấp ủ những dự định với nông nghiệp hữu cơ, tại Hải Phòng chưa có nhiều mô hình sản xuất này cũng như những cửa hàng bán nông phẩm xanh, sạch.

Năm 2018, Trần Thị Quỳnh Vân quyết định dừng công việc kế toán để thực hiện những ấp ủ của mình. Quyết định liều lĩnh của cô gái trẻ khiến gia đình lo lắng khi lĩnh vực Vân theo đuổi thực sự vất vả và khó để thành công.

Nông trại vui vẻ được thành lập từ năm 2020.

Hái trái ngọt từ "Nông trại vui vẻ"

Gom góp số tiền tiết kiệm trong thời gian làm kế toán, Vân quyết định mở cửa hàng "Rau trong vườn" cơ sở 1 và 2. Sau 2 năm kinh doanh rau sạch và học hỏi kinh nghiệm từ việc làm thêm tại nhiều nhà vườn trên cả nước, Vân quyết định xây dựng "Nông trại vui vẻ" (Love in farm) tại phường Hưng Đạo, Hải Phòng.

Nông trại vui vẻ là mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, được hình thành trên 2ha ruộng canh tác của hơn 100 hộ dân tại phường Hưng Đạo. "Diện tích đất để làm nông trại được thuê từ hơn 100 hộ dân khác nhau. Quá trình thuê đất vì thế cũng gặp nhiều khó khăn", Quỳnh Vân chia sẻ.

Hệ thống mái vòm được xây dựng để đảm bảo điều kiện phát triển của cây trồng.

Từ những thửa ruộng bị bỏ hoang, cỏ mọc cao, đất đai cằn cỗi, 2ha đất ruộng đã được Vân cải tạo, trở thành nông trại hữu cơ.

Sau 2 năm xây dựng, Nông trại hữu cơ của Quỳnh Vân đang cung cấp những loại nông sản sạch cho thị trường như: rau, củ, quả,... Bên cạnh đó, nhiều loài vật nuôi phù hợp cũng được Vân lựa chọn như dê, gà, cá,...

Chị Vân trò chuyện cùng du khách tại Nông trại vui vẻ.

Quyết tâm đưa nông nghiệp hữu cơ đến với người trẻ

Khi theo đuổi mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chị Vân xác định sẽ gặp nhiều khó khăn do phần lớn người dân vẫn ưa dùng những thực phẩm giá rẻ.

Chị nói: "Người dân có tâm lý ưa giá rẻ và sản phẩm hữu cơ không có mẫu mã đẹp như các sản phẩm được sản xuất dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Để thay đổi thói quen ấy cần quá trình dài".

Nhận thấy giáo dục là gốc rễ và là nền tảng cho sự thay đổi, chị Vân luôn mong muốn đưa giáo dục nông sản sạch đến với người dân, đặc biệt là người trẻ. Việc được tiếp cận và có những kiến thức đúng về nông nghiệp hữu cơ từ sớm sẽ giúp các bạn hình thành thói quen tốt trong lựa chọn và sử dụng sản phẩm.

Các sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đến trải nghiệm ở Nông trại vui vẻ.

Hàng tuần, Nông trại vui vẻ của chị Vân đều đón những đoàn học sinh và sinh viên tới tham quan, học tập và trải nghiệm thực tế. Các bạn có thể thực tiếp tham gia trồng các loại cây, rau; tiến hành, bón phân, thu hoạch rau củ hay chăm sóc các vật nuôi.

Trải nghiệm những hoạt động ở Nông trại vui vẻ trong chuyến đi thực tế chính trị, Hoàng Nhung - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền rất thích thú.

"Lâu lắm rồi mình mới có dịp thăm thú, trải nghiệm những hoạt động nông nghiệp. Những chia sẻ của chị Vân giúp mình hiểu hơn về nông nghiệp hữu cơ cũng như vai trò của việc sử dụng sản phẩm sạch đối với sức khỏe.

Thông thường khi đi mua thực phẩm, mình ít để ý tới nguồn gốc, chỉ lựa chọn những sản phẩm đẹp mắt và giá rẻ. Mình cảm thấy rất thoải mái khi được tham gia tưới rau, trồng cây và cho dê ăn. Mình và những người bạn đã có những trải nghiệm và tuyệt vời tại đây", bạn Hoàng Nhung tâm sự.

Không chỉ dừng lại ở trải nghiệm thực tế, Nông trại vui vẻ của chị Vân đang trong quá trình xây dựng mô hình cắm trại dành cho gia đình. Khu cắm trại được chị xây dựng ngay trong 2ha của nông trại.

Các gia đình sẽ có cơ hội trải nghiệm hoạt động nông nghiệp, nghỉ ngơi và thư giãn sau thời gian làm việc, học tập. Phát triển mô hình này, chị Vân mong muốn kết nối nông nghiệp hữu cơ với các gia đình để giáo dục, thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm sạch.

Với những tâm huyết và khao khát của chị Vân, Nông trại hữu cơ đã và đang phát triển, góp phần đưa nông nghiệp hữu cơ đến gần hơn với người Việt. 

Hồng Phượng