Theo học ngành Quản trị khách sạn tại trường Glion Institute of Higher Education (top 4 thế giới theo QS Ranking), cách đây 4 năm, khi mới 20 tuổi và chưa có bằng đại học, Lê Khánh Linh (Linh Janetta Le) vẫn trở thành trưởng bộ phận đặt phòng (Reservations Manager) của Hotel De La Coupole – Mgallery - khách sạn 5 sao đầu tiên tại Sapa.
Hiện nay, cô công tác với vị trí Chuyên viên phân tích và lên kế hoạch tài chính cho tập đoàn Hilton khu vực Vương quốc Anh và Ireland.
Với trải nghiệm ứng tuyển và làm việc ở một loạt tập đoàn lớn ở độ tuổi còn rất trẻ, Linh chia sẻ "cái giá phải trả" để cô có được như hôm nay “là rất nhiều thất bại”.
“Để nhận được cái gật đầu cho vị trí trưởng bộ phận khách sạn, mình bị nhiều khách sạn khác từ chối cả phỏng vấn”.
Là một trong những thất bại, nhưng Linh đặc biệt muốn chia sẻ hành trình 2 tháng cô “ăn nằm” cùng cơ hội ứng tuyển vào Bloomberg - công ty hàng đầu thế giới về thông tin tài chính và kinh doanh toàn cầu – cách đây chưa lâu.
Với trải nghiệm còn khá ít người Việt từng có này, Linh mong rằng sẽ hữu ích cho các bạn trẻ đang băn khăn chọn ngành, chọn trường, chọn việc thế nào là “đúng”. VietNamNet xin giới thiệu chia sẻ của Lê Khánh Linh:
Cách đây hơn một năm, mình ứng tuyển chương trình Graduate Scheme (tương đương Management Training) của Bloomberg. Dưới đây là hành trình của mình.
Bước 1: Nộp đơn trực tuyến
Ngoài các thông tin cá nhân rất cơ bản như họ và tên, học vấn, hay kinh nghiệm và CV, Bloomberg có hỏi một số câu ở vòng gửi xe để xác định rằng bạn không chỉ nộp đại vào Bloomberg mà bạn có tìm hiểu cũng như có ý định thực sự muốn làm việc tại đây. Mình nghĩ mình đã có trải nghiệm ứng tuyển Bloomberg rất đáng nhớ nhờ vào việc mình đã liên hệ với 1 người có kinh nghiệm ở vị trí này để chuẩn bị cho quá trình nộp đơn. Từ đó, những câu trả lời của mình cho vòng này đều khớp với thực tế tại Bloomberg.
Bước 2. Kiểm tra trực tuyến
Bài kiểm tra của Bloomberg chỉ có 1 dạng duy nhất là Logical Reasoning. Đây là dạng bài mình đã làm quen từ nhỏ, nên mình cũng không cần phải ôn hay gặp trở ngại gì.
Bước 3. Phỏng vấn video
Khi hoàn thành bài kiểm tra trực tuyến, mình biết chắc chắn là sẽ qua. Với tâm thế đó, để chuẩn bị cho hành trình chông gai phía trước, mình bắt đầu trang bị kiến thức từ:
Theo dõi các kênh youtube Wall Street Journal, The Economist để cập nhật tình hình kinh tế tài chính thế giới.
Đăng kí cập nhật hàng ngày vào email tình hình tài chính kinh tế thế giới từ ExecSum.
Mở TV kênh Bloomberg bất kì khi nào rảnh.
Đọc báo The Economist trên tàu trên đường đi học (3 tiếng/ngày vì trường mình xa).
Trong thư mời phỏng vấn, Bloomberg gửi cho mình rất nhiều tài liệu để chuẩn bị. Và tất nhiên, mình lại tiếp tục kiên trì cày nát chỗ tài liệu này.
Trong vòng này, những câu hỏi rất nặng về sự nhanh nhạy của ứng viên trong việc cập nhật tin tức của ngành, những hiểu biết của ứng viên về vị trí ứng tuyển, những dịch vụ khác mà Bloomberg cung cấp, và cả chứng minh kĩ năng mềm của bản thân thông qua trải nghiệm thực tế trong quá khứ.
Bước 4. Phỏng vấn điện thoại
Vòng phỏng vấn này là để đánh giá khả năng sử dụng tiếng Pháp vì mình ghi trong CV là sử dụng tiếng Pháp thành thạo.
Từ vòng này trở đi, mình luôn lên Glassdoor để tham khảo các câu hỏi phỏng vấn trước giờ G. Nhờ thế, vòng này mình trúng tủ hoàn toàn. Vòng phỏng vấn này rất ngắn, chỉ mất 20 phút nói chuyện và 15 phút viết email.
Sau buổi phỏng vấn, mình biết chắc là mình sẽ qua dựa trên lời nhận xét từ người phỏng vấn. Mình ngay lập tức chuẩn bị cho vòng được cho là cam go nhất: Assessment Centre hay còn gọi là Bloomberg Super Day.
Bước 5. Super Day
Mình không chuẩn bị gì cho vòng này nhiều hơn các vòng trước cả, mình vẫn chỉ tiếp tục theo dõi tin tức như mình vẫn làm trước đó. Tất cả những gì mọi người dặn mình đó là Hãy là chính mình, và mình cũng chỉ có thế.
Vòng này của Bloomberg diễn ra trong 1 ngày, bao gồm Bloomberg giới thiệu về tập đoàn, về vị trí ứng tuyển rồi sau đó chia nhóm các ứng viên giải 1 dự án, và cuối cùng là phỏng vấn.
Mình đã tận dụng thế mạnh kĩ năng mềm làm người tổng hợp lại các ý tưởng của mọi người, quản lí thời gian, phân chia công việc. Và cuối cùng là khi thuyết trình, mọi người lỡ quên một ý nào đó trong phần của họ thì mình sẽ bổ sung vào.
Bước 6. Phỏng vấn
Bởi vì mình đã chiến đấu qua hầu hết các vòng, mình đã hiểu về Bloomberg và thị trường rất nhiều nên để chuẩn bị cho vòng này mình cũng chỉ tiếp tục theo dõi tin tức mà thôi. Rất đáng tiếc, ở ngay bước cuối cùng này, mình đã không vượt qua được.
Những câu hỏi trong vòng này cũng không khác nhiều những vòng trước, vẫn là về sự hứng thú thực sự của ứng viên với công việc họ ứng tuyển, kiến thức của họ về những diễn biến của ngành trên thế giới, và hiểu biết của họ về Bloomberg.
Không biết trong tương lai liệu mình và Bloomberg có cơ hội giao nhau hay không, nhưng ít nhất mình đã trải nghiệm được thế nào là tỉ lệ chọi sứt đầu mẻ trán của thị trường tài chính London.
Qua đây, mình hy vọng bạn đừng quá lăn tăn việc chọn ngành, chọn trường, chọn việc thế nào là “đúng”. Những gì “đúng” vào lúc này hoàn toàn có thể trở thành “sai” chỉ 5 năm sau đó.
Do vậy, hãy xác định một mục tiêu cụ thể và xây dựng chiến lược hành động dựa trên mục tiêu đó. Nếu mục tiêu thay đổi, bạn cứ việc xây dựng một chiến lược hành động mới thôi.