- Cô hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (Hoành Bồ, Quảng Ninh) chia sẻ về hành trình mà cô gọi vui là “xấu mặt đi xin tương” của mình.

{keywords}
Cô Trần Thị Thư - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thảo

Trường Tiểu học Lê Lợi là một trong những ngôi trường tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh về việc làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục trong nhiều năm nay. Và cô Trần Thị Thư – hiệu trưởng nhà trường – được ví như người luôn “xông pha” để mang về cho học sinh những bộ bàn ghế mới, một phòng học vi tính hiện đại, một sân thể chất khang trang… như ngày hôm nay.

Về công tác tại Lê Lợi từ năm 2011, cô Thư đảm nhận vị trí hiệu phó nhà trường trong vòng một năm trước khi được giao vị trí hiệu trưởng. Tính đến nay, giá trị những cơ sở vật chất mà cô “xin” về cho trường lên tới 900 triệu đồng, trong đó sân thể chất trị giá 380 triệu đồng vừa mới được bàn giao vào lễ khai giảng năm học vừa rồi.

{keywords}
Sân thể chất trị giá 380 triệu đồng vừa được nhà trường vận động xã hội hoá từ 3 doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Thảo 

Tất cả những kinh phí ấy đều có được nhờ cô “muối mặt” đi xin các doanh nghiệp đóng trên địa bàn địa phương. Có những doanh nghiệp thân thiết năm nào cũng ủng hộ lên tới gần 100 triệu, đơn vị nào ít thì 10-20 triệu đồng. Số tiền ấy đều được quy ra những bộ bàn ghế, suất bảo hiểm, sửa sang khuôn viên, xây dựng nhà ăn, sân thể chất, thư viện…

“Hiện tại trường có 380 bộ bàn ghế chuẩn nhưng chỉ có 100 bộ là do Phòng Giáo dục cấp, còn lại là từ nguồn xã hội hoá” – cô Thư chia sẻ.

Nhớ lại những lần “đi xin”, chị kể, có lần gọi điện cho lãnh đạo doanh nghiệp không nhấc máy, lại phải nhờ mối quan hệ cá nhân để liên hệ với họ. Có những doanh nghiệp mà lãnh đạo là người nước ngoài, chị phải nhờ con gái dịch thư trình bày sang tiếng Anh để gửi đi. Cũng có những doanh nghiệp đề nghị muốn gặp thì phải đi cùng lãnh đạo địa phương, chị đều đáp ứng mọi yêu cầu. Bù lại cho những nỗ lực ấy, lần nào chị đi cũng đều mang về kết quả, không nhiều thì ít – chị Thư chia sẻ.

“Hình như mình cũng có duyên. Đến các doanh nghiệp, người ta bảo có nhiều người vào đây xin tiền nhưng người ta không cho, chỉ có chị là xin được”.

Hỏi chị bí quyết là gì, chị bảo, “có lẽ do mình làm thật”. “Họ cũng nói với mình là nhiều đơn vị xin bàn ghế mới nhưng đến thì chẳng thấy bàn ghế mới đâu, toàn đưa ra bàn ghế cũ. Đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, họ không thích sự thiếu trung thực. Nếu mất lòng tin một lần thì sẽ không bao giờ xin được những lần sau nữa”.

“Tôi nói có thể không phải ai cũng tin, nhưng làm ngần ấy năm trời, tôi chưa bao giờ lấy của tập thể một đồng. Đi xin được bao nhiêu đều chi hết cho trường”.

Chị kể, chồng chị hay nói vui là toàn đi “vác tù và hàng tổng” là vì thế.

Người lãnh đạo phải gợi mở, truyền cảm hứng

{keywords}
Cô Thư liên tục tiếp phụ huynh học sinh trong những ngày sát thềm năm học mới. Ảnh: Nguyễn Thảo

Nói về chương trình giáo dục phổ thông mới, chị chia sẻ rằng chị quan tâm và hiếu kỳ về nó không chỉ với tư cách một người làm giáo dục, mà còn với tư cách một phụ huynh có con sẽ thụ hưởng nó.

“Trong một tập thể, có những giáo viên luôn thích khám phá cái mới, nhưng cũng có những người thì bằng lòng với hiện tại, ngại thay đổi. Chuyện đó không bao giờ tránh được. Nhưng để đạt được sự thành công trong chương trình mới, theo tôi, trách nhiệm, vai trò của người quản lý rất quan trọng. Người lãnh đạo phải là người gợi mở, dẫn dắt, động viên, khích lệ để giáo viên được truyền cảm hứng, truyền đam mê cho sự đổi mới này”.

Chị Thư tin rằng, nếu bản thân người quản lý luôn hừng hực sự đổi thay và đón nhận cái mới thì đội ngũ giáo viên cũng sẽ cảm nhận được tinh thần đó. “Còn nếu người quản lý lại truyền cho họ những chùn bước, tụt hậu thì tự nhiên người ta cũng sẽ theo mình”.

Cô hiệu trưởng trường làng tâm sự, giáo viên của chị hay nói đùa rằng chị là con người “xông pha ta đi lên”, luôn thích sự thay đổi và không bao giờ ngồi yên.

Tuy vậy, quay trở lại với thực tại, chị luôn trăn trở cho mình và cho giáo viên của mình bằng câu hỏi: “Làm thế nào để sống bằng nghề của mình?”

“Nghề làm giáo dục được xã hội tôn vinh là cao quý, nhưng các cụ đã nói ‘có thực mới vực được đạo’”.

Nhiều giáo viên của chị gia đình rất hoàn cảnh, đi dạy nhiều năm rồi mà lương vẫn thấp, phải trang trải nuôi cả gia đình. “Trường có 35 cán bộ, giáo viên thì đến 20 người không có gì ngoài đồng lương để nuôi gia đình. Tôi có 12 năm làm giáo viên nên rất thấu hiểu và chia sẻ điều đó”.

Chính vì thế, khi đã không thể chia sẻ về mặt vật chất, chị đặt ra mục tiêu cho mình: “Đã đến trường là các cô phải vui”.

“Để các cô cảm thấy là dù còn nghèo khó, vất vả nhưng đến trường là thấy vui, thấy ấm cúng. Thậm chí, đến giờ tan trường, nhiều giáo viên không muốn về. Để làm được điều đó, bản thân mình cũng phải đặt mục tiêu đã bước chân đến cổng trường là phải vui vẻ. Tôi không bao giờ cho phép mình mang khó khăn ở nhà đến trường để làm khó giáo viên. Đó là cái mà tôi cảm thấy mình đã làm được”.

Kỷ niệm với bó hoa dại ven đường

{keywords}
Học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi chơi cầu lông trên sân thể chất mới của trường. Ảnh: Nguyễn Thảo

Từ khi về Lê Lợi, chị được ghi nhận sự đóng góp ở vị trí quản lý nhưng khi hỏi về kỷ niệm, cô hiệu trưởng lại kể về một kỷ niệm mà cô không bao giờ quên được với tư cách giáo viên đứng lớp.

“Trong rất nhiều khó khăn thì nguồn động viên, an ủi của mình lại là học sinh. Hiện tại mình vẫn lên lớp dạy 2 tiết mỗi tuần. Mình còn nhớ mãi một kỷ niệm cách đây 5 năm với một nhóm học sinh khối 5”.

Hôm đó là ngày 20/11 nhưng trùng vào ngày nghỉ. Cô lên trường để lấy tệp tài liệu bỏ quên ở văn phòng. Lên đến nơi thì thấy 8 em học sinh của mình đang đợi. “Mình mở cửa là các em ùa ra, đẩy cô vào phòng. Các em chúc cô 20/11 vui vẻ và tặng cô mấy bông hoa dại mà dân gian hay gọi là ‘hoa cứt lợn’. Các em hái ở lề đường, gói vào vỏ gói bim bim cũng nhặt ở vệ đường. Nhưng trong đó là đủ 35 lời chúc của 35 học sinh. Nhưng câu văn còn chưa gãy gọn được viết trên những mẫu giấy xé vội còn nham nhở. Có em viết “sao cô lại đi làm hiệu trưởng, phí thế hả cô”, “cô có phải ông Bụt không mà lại biết tất cả những gì nhà em có”, “cảm ơn cô về bài văn mà cô chữa”, “con gọi cô là mẹ”…”

Đến bây giờ cô Thư vẫn nhớ và vẫn còn giữ những bông “hoa cứt lợn” đã được ép khô ấy.

“Đó là một kỷ niệm làm cho tôi nhớ lại những ngày vẫn còn là giáo viên đứng lớp ở Phú Thọ. Mình cảm thấy thành công khi được ở trong suy nghĩ và trí nhớ của học trò”.

Nguyễn Thảo 

Bán trú vùng cao: Chuyện bữa cơm học sinh và chế độ giáo viên

Bán trú vùng cao: Chuyện bữa cơm học sinh và chế độ giáo viên

Những vướng mắc nảy sinh trong công tác bán trú sau khi sáp nhập vẫn đang được đặt ra không chỉ với Quảng Ninh mà với ngành giáo dục nói chung.        

Về nơi học trò không biết dùng giấy vệ sinh

Về nơi học trò không biết dùng giấy vệ sinh

“Ở đây người dân đi vệ sinh không bao giờ dùng giấy, toàn dùng cây que. Các con lớp 1 thiếu ăn, người bé xíu, trông rất tội”.

"Xã hội hóa" giáo dục: Trường tiền tỷ, trường dăm cân gạo

"Xã hội hóa" giáo dục: Trường tiền tỷ, trường dăm cân gạo

Cùng nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhưng có trường xã hội hoá được phòng máy tính, sân thể chất, nhà vệ sinh; có trường chỉ có thể vận động gia đình đóng góp vài cân gạo mỗi tháng để bữa cơm của các con có thêm miếng thịt.