Tại “Diễn đàn Quốc gia Phát triển DN công nghệ Việt Nam”, các chuyên gia và DN trong lĩnh vực công nghệ khẳng định, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số với hàng loạt ứng dụng công nghệ sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Chi phí giảm chục ngàn tỷ nhờ công nghệ

Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Công ty MISA, cho biết, cách đây 25 năm, các DN Việt Nam chưa có công tác kế toán bằng phần mềm. Tuy nhiên, đến nay, nhiều công ty đã triển khai thành công ứng dụng kế toán và mang lại hiệu quả lớn.

“Chỉ lấy ví dụ về việc chuyển đổi từ hoá đơn giấy sang hoá đơn điện tử sẽ thấy rõ: Chi phí cho một hóa đơn giấy có giá 15.000 đồng, với 700.000 DN hiện nay sẽ cần tới 10.500 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng chuyển sang hóa đơn điện tử, chi phí giảm xuống 500 đồng và 700.000 DN chỉ tiêu tốn 350 tỷ đồng, tiết kiệm được hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm”, ông Long dẫn chứng.

{keywords}
Ứng dựng công nghệ mang lại hiệu quả rõ rệt đã được chứng minh trong thực tế sản xuất và kinh doanh của nhiều doanh nghiệp

Cũng tương tự như vậy là ứng dụng kế toán. 40% trong tổng số DN hiện chưa có bộ máy kế toán. Xu hướng 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể chuyển thành DN sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực tài chính kế toán, chi phí sẽ tăng.

Để giải quyết vấn đề này chỉ có công nghệ mới đáp ứng được. Hiện những ứng dụng kế toán có thể giúp DN giảm chi phí từ 8 triệu xuống còn 2 triệu đồng mỗi tháng. 700.000 DN phải trả 8 triệu đồng cho công tác kế toán hàng tháng mỗi năm sẽ tốn 26.880 tỷ đồng. Nếu sử dụng ứng dụng kế toán với 2 triệu đồng/tháng thì mỗi năm chỉ hết 6.720 tỷ đồng, tiết kiệm được hơn 20.000 tỷ đồng.

Theo ông Long, với công nghệ AI và Machine Learning giúp tự động nhập liệu và hạch toán kế toán, sử dụng công nghệ điện toán đám mây để giải quyết bài toán cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp, tạo một hệ thống mở để kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, thuế và các đơn vị khác, góp phần làm giảm chi phí và tăng năng suất gấp hàng chục lần. Đây chính là hiệu quả do công nghệ mang lại.

Ông Phạm Hải Văn, Giám đốc miền Bắc Công ty Haravan, chỉ ra rằng Việt Nam có 70% dân số sử dụng Internet, bình quân mỗi người vào mạng 28 giờ/tuần,  thương mại điện tử tăng trưởng hơn 30% trong năm 2018. Vì vậy, việc các doanh nghiệp thích nghi với công nghệ là rất quan trọng để tăng hiệu quả và giảm chi phí, nhất là với các DN nhỏ và vừa, năng lực tài chính yếu, nguồn nhân lực thiếu.

Theo ông Văn, các doanh nghiệp lớn thời gian qua đầu tư cho công nghệ bán hàng online đã tăng doanh thu và tiết kiệm chi phí, điển hình như Vinamilk đã tăng doanh thu 10% hay Biti’s tiết kiệm tới 50% chi phí. Hệ thống bán hàng online có thể giải quyết được bài toán của hàng chục đến hàng trăm cửa hàng một cách nhanh chóng, thay vì phải tốn nhiều chi phí, nhân lực, ông Văn tính toán. 

Khảo sát của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2018 cho thấy, 85% DN nhỏ và vừa khẳng định bán hàng trên Facebook giúp thu hút nhiều khách hàng hơn và 74% cho biết doanh số tăng nhờ vào nền tảng này.

DN Việt có “lỡ chuyến tàu”?

Nếu không đẩy nhanh ứng dụng những công nghệ như: chuyển đổi số, AI (trí tuệ nhân tạo), VR (thực tế ảo), Big data (dữ liệu lớn),... vào sản xuất kinh doanh, DN Việt Nam có nguy cơ “lỡ chuyến tàu”. Có thể nói, làn sóng ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh đang bùng nổ trên phạm vi toàn cầu bởi hiệu quả to lớn mà nó mang lại, là cơ hội để DN tạo nên sự khác biệt và vươn lên.

{keywords}
Nhiều DN Việt Nam vẫn chưa đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, số lượng các DN Việt Nam ứng dụng công nghệ trên trong sản xuất kinh doanh vẫn còn rất ít. Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty VCCorp, cho hay, 80% doanh số là tới từ khách hàng cũ, nhưng hầu hết các DN Việt Nam lại không ghi nhận dữ liệu về khách hàng, hoặc ghi nhận được nhưng không có chỗ để cất trữ, hoặc ghi nhận được, lưu trữ được mà không biết làm gì và làm như thế nào.

Theo các chuyên gia về công nghệ, dữ liệu khách hàng chính là tài sản lớn nhất của DN trong nền kinh tế số. DN phải làm chủ tài nguyên này. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất với các DN Việt Nam hiện nay lại chính là nguồn dữ liệu. Muốn ứng dụng AI vào kinh doanh, phải có lượng thông tin dữ liệu đủ lớn làm yếu tố đầu vào để nó tự học, tương tác với môi trường và ra quyết định.

Thách thức của nguồn dữ liệu đầu vào, không chỉ là số lượng mà còn cả chất lượng. Lượng thông tin được thu thập tích lũy tại các DN hiện rất nhiều, nhưng không nhiều trong số đó được gắn mã phân loại và đưa vào phân tích. Không những thế, những dữ liệu thông tin không chính xác, hay bị phân loại sai, đang gây trở ngại cho các DN trong ứng dụng AI.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch tập đoàn CMC, cho rằng, ngày nay Internet đang tác động đến mọi khía cạnh của đời sống. Xu thế của cách mạng 4.0 là hệ thống nền tảng và kinh doanh nền tảng ra đời. Thách thức của DN là năng suất, trí tuệ, tốc độ, kết nối và cung cấp công nghệ mọi lúc mọi nơi. Với bất kỳ DN nào, việc kết nối là yếu tố quan trọng trong kỷ nguyên số. Các quốc gia như Hàn Quốc thành công vì đã chiếm lĩnh được công nghệ.

Hiện đã có nền tảng công nghệ do DN Việt làm ra để giải quyết nhu cầu chuyển đổi số của Việt Nam và nhu cầu ứng dụng các công nghệ mới như Big Data, IoT, BlockChain, Security,... Mọi DN đều có thể tiếp cận nền tảng mở này để kết nối với nền kinh tế số. Vấn đề ở đây là phụ thuộc vào chính các DN.

Trong khi đó, theo số liệu khảo sát từ Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2018, do Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá (VietNam Report) thực hiện, chỉ có 13,6% DN cho biết đã đầu tư để đưa ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh, 18,2% đang nghiên cứu và 18,2% dự định sẽ đầu tư trong 2-3 năm tới. Còn lại có 40,9% chưa có dự định đầu tư và 9,1% không có ý định đầu tư. Nhiều DN Việt Nam vẫn chưa đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

Trần Thủy