Rùa Hồ Gươm là một sinh vật thuần tuý
Một trong những người lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ danh xưng “Cụ Rùa Hồ Gươm” chính là PGS Hà Đình Đức, nhà khoa học vẫn thường được mọi người biết đến với biệt danh “giáo sư Rùa”. Ông đã có vài chục năm nghiên cứu về loài động vật này.
Ở hướng ngược lại, một nhà khoa học khác, PGS.TS Trần Lâm Biền lại khẳng định như đinh đóng cột rằng không nên gọi đó là “Cụ Rùa” mà chỉ nên gọi là “rùa Hồ Gươm”. Nhà nghiên cứu này còn tuyên bố rằng ngoài ông Đức ra, không ai gọi rùa Hồ Gươm là “Cụ Rùa” cả.Theo tôi, hai nhà khoa học khả kính này nên… đổi quan điểm cho nhau.
Ông Hà Đình Đức là nhà nghiên cứu về rùa. Do đó, ông thừa hiểu rằng rùa Hồ Gươm chỉ là một sinh vật. Nó cũng trải qua vòng đời sinh lão bệnh tử như bao loài khác và không thể nào có tuổi thọ vượt hơn 200 năm được.
Với tư cách là một nhà sinh học, việc ông gọi “Cụ Rùa” thay vì “rùa Hồ Gươm” trong nhiều bài viết và phỏng vấn cho thấy rằng ông dường như đang không nhìn nhận cá thể rùa Hồ Gươm dưới góc độ sinh vật học thuần tuý.
Thay vào đó, ông đang “thần thánh hoá” nó lên, gán ghép cá thể rùa này với những câu chuyện truyền thuyết từ cách đây hơn 600 năm.Tất nhiên, đăng sau câu chuyện gọi rùa Hồ Gươm bằng “cụ”, tôi thấy có một sự trân quý lớn của ông Hà Đình Đức dành cho rùa Hồ Gươm. Đấy là điều đáng ghi nhận. Nhưng việc dùng danh xưng “Cụ Rùa” với tư cách là đối tượng nghiên cứu khoa học là một điều không hợp lí.
Gọi “Cụ Rùa” – tại sao không?
Ngược lại, ông Trần Lâm Biền là một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian. Cho nên, tôi tin chắc rằng ông hơn ai hết hiểu rõ tâm thức của dân gian dành cho rùa Hồ Gươm.
Khi bác bỏ cách gọi rùa Hồ Gươm bằng Cụ, ông Trần Lâm Biền cho thấy rằng ông coi rùa Hồ Gươm chỉ là một sinh vật bình thường, không chút thần thánh gì cả. Đây lẽ ra phải là quan điểm và cách dùng của một nhà sinh học.
Còn khi đứng từ góc độ văn hoá dân gian, tôi ngạc nhiên khi thấy ông Trần Lâm Biền nói rằng trừ ông Hà Đình Đức, không ai gọi rùa Hồ Gươm bằng Cụ cả. Thực tế có lẽ phải ngược lại mới đúng. Hầu hết mọi người dân đều gọi rùa Hồ Gươm bằng “Cụ”.
Bản thân tôi khi nói chuyện vẫn gọi rùa Hồ Gươm bằng “Cụ” mặc dù tôi luôn coi đó là một cá thể rùa thuần tuý.
Việc tôn kính đối với cá thể rùa Hồ Gươm là có thực. Đó là câu chuyện của văn hoá dân gian, lĩnh vực mà ông Trần Lâm Biền nghiên cứu. Người dân rõ ràng nhìn thấy mối liên hệ giữa rùa Hồ Gươm và câu chuyện truyền thuyết của vua Lê Thái Tổ thời xa xưa. Việc họ gọi rùa Hồ Gươm bằng “Cụ” đã phản ánh rõ nét cái tâm thức dân gian ấy.
Chưa kể, rùa Hồ Gươm nói riêng và rùa nói chung là những sinh vật có tuổi thọ rất cao và thường được xem là một biểu tượng của sự trường tồn. Do đó, người ta hoàn toàn có lí khi gọi nó bằng “Cụ”.
Đấy là việc mà các nhà nghiên cứu văn hoá cần ghi nhận, chứ không phải bài bác, phủ nhận.
Trên thực tế, việc sùng bái hay thần thánh hoá các loài động vật không phải là một chuyện gì xa lạ trong văn hoá và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Rất nhiều loại vật đã được tôn thờ giống như các vị thần thánh. Chẳng hạn, cá voi thường được ngư dân Việt từ vùng Thanh Hoá tới tận Bến Tre thờ phụng và gọi là cá ông hay thần Nam Hải. Nếu dân chài phát hiện được cá voi mắc cạn thì người đó có bổn phận chôn cất và để tang cá Ông như để tang chính cha mẹ mình.
Mà khi kính trọng các loài động vật như thế, tôi thấy dường như người ta sẽ có ý thức hơn nhiều trong việc bảo vệ nó và bảo vệ môi trường. Có lẽ ta sẽ chẳng có một suối cá Bá Thước nếu như người dân không gọi chúng là “cá thần”.
Tôi vẫn còn ám ảnh mãi hình ảnh con tê giác một sừng cuối cùng bị bắn chết ở vườn quốc gia Nam Cát Tiên cách đây vài năm. Giá mà người ta cũng tôn sùng chú tê giác xấu số kia là “cụ tê giác”, chắc gì nó đã phải nhận một kết cục đau lòng như thế?
Thế nên, gọi rùa Hồ Gươm bằng “Cụ” thì cũng là điều hết sức bình thường. Điều quan trọng hơn phải là cái ý thức bảo vệ của người dân dành cho các bậc “lão niên” này.
- Hào Hiệp (Brisbane, Australia)
********
CHỦ ĐỀ: SỬ DỤNG NGÔN NGỮ