Một phiên tăng mạnh nhất thế giới

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên tăng mạnh hôm 8/11. Chỉ số VN-Index bứt phá 33,14 điểm (+3,07%), lên 1.113,4 điểm, với hàng loạt cổ phiếu trụ cột và nhóm chứng khoán và bất động sản... nổi sóng. Đây là mức tăng mạnh nhất trên phạm vi toàn cầu.

Việc chỉ số VN-Index hồi phục mạnh giúp làm giảm bớt những nghi ngờ về sức khỏe kinh tế yếu trước các áp lực lớn từ thế giới thời gian qua, từ tỷ giá cho tới đến các bất ổn địa chính trị...

Bên cạnh đó, sự hồi phục của nhiều thị trường chứng khoán lớn trên thế giới cũng giúp các nhà đầu tư trong nước tin tưởng hơn vào thị trường cổ phiếu Việt Nam.

Đêm qua 8/11 (giờ Việt Nam), chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500 và Nasdaq tiếp tục kéo dài chuỗi ngày tăng điểm. Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 đã tăng phiên thứ 8 liên tiếp.

Chứng khoán châu Âu cũng tiếp đà hồi phục. Trên thị trường châu Á, đã có sự điều chỉnh nhẹ. Nhưng nhìn chung, chứng khoán toàn cầu đang diễn biến tích cực theo sự chững lại của đồng USD và sự suy giảm của giá dầu thô cũng như lợi tức trái phiếu chính phủ các nước.

ckthegioi2023nov8.gif
Chứng khoán Việt Nam bật tăng trở lại sau 3 tháng giảm mạnh. (Nguồn: MB)

Trên thế giới, giới đầu tư đang chuẩn bị cho khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục thận trọng và không đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ, qua đó nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ “hạ cánh nhẹ nhàng”.

Trước đó, cổ phiếu Mỹ được đánh giá là bị bán quá mức trong vài tháng qua.

Đêm 8/11, giá dầu thô thế giới giảm khá mạnh, rớt gần 3% xuống đáy 3 tháng. Giá dầu WTI đã xuống ngưỡng 75 USD/thùng. Trong khi dầu Brent về dưới 80 USD/thùng. Dầu giảm trước nỗi lo về nhu cầu ngày càng suy yếu tại Mỹ và Trung Quốc. Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh. Trong khi bán lẻ tại khu vực Eurozone sụt giảm.

Đồng USD đêm 8/11 (giờ Việt Nam) trên thị trường Mỹ tăng vào đầu phiên nhưng quay đầu giảm nhanh sau đó. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - dao động trong khoảng 105-106 điểm. Đây là một yếu tố tích cực đối với tỷ giá của các nước. Trước đó, giới đầu tư lo ngại chỉ số DXY có thể lên 110 điểm. Áp lực tỷ giá giảm, khiến cổ phiếu nhiều nước tăng trở lại.

Bên cạnh đó, lợi tức trái trái phiếu chính phủ khu vực châu Á cũng giảm mạnh, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá. Lợi tức trái phiếu Chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm giảm từ mức 3,2%/năm hồi gần cuối tháng 10 xuống còn dưới 2,8%/năm.

Tỷ giá USD/VND giảm khá nhanh. Giá bán đồng USD tại Vietcombank giảm từ mức 24.750 đồng/USD hồi đầu tháng 11 xuống còn 24.540 đồng/USD sáng 9/11. Từ đầu năm tới nay, đồng VND mất giá khoảng 3%, sát với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước.

Trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản khá dồi dào. Lãi suất qua đêm đã xuống dưới ngưỡng 1%/năm kể từ đầu tháng tới nay. Hoạt động phát hành tín phiếu hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước cũng ít, chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng/phiên với lãi suất về ngưỡng 1%/năm, thay vì 1,5%/năm như hồi cuối tháng 10 và đầu tháng 11. Các tín phiếu kỳ hạn 28 ngày phát hành hồi tháng 10 ở mức 10.000-20.000 tỷ đồng/phiên, tương đương một lượng tiền khá lớn được trả lại cho thị trường.

ckdongtien2023nov8.gif
Dòng tiền vào cổ phiếu các ngành.

Triển vọng chứng khoán tươi sáng hơn

Có thể thấy, cú tăng hơn 33 điểm với thanh khoản khớp lệnh tăng vọt hôm 8/11 đã giúp VN-Index vượt lên trên ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng 1.100 điểm. Điều này giúp cải thiện tinh thần của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là điều quá ấn tượng. Kể từ đầu năm tới nay, chỉ số VN-Index đã có nhiều lần xuống dưới và vượt lên ngưỡng này. 

Điều nhiều người quan tâm là xu hướng hồi phục có tiếp tục hay không và thanh khoản trên thị trường chứng khoán có tăng thêm nữa, hay ít nhất cũng duy trì được mức 21.000-22.000 tỷ đồng như phiên bứt phá 8/11 hay không?

Trên thực tế, định giá cổ phiếu Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn sau đợt điều chỉnh mạnh kéo dài nhiều tuần qua. Về dài hạn, nhiều công ty chứng khoán và chuyên gia nhận định, chỉ số giá ước tính trên thu nhập tương lai (PE forward) ở mức 10-11x như hiện nay là hấp dẫn cho đầu tư dài hạn.

Chứng khoán Maybank cho rằng, VN-Index đã có phiên tăng trọng yếu, đánh dấu sự thay đổi quan trọng về mặt tâm lý thị trường. Đường giá với nền tăng mạnh đã thành công trở lại cao hơn đường trung bình động 20 phiên giao dịch (MA-20) và đồng thời vượt ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của đường xu hướng giảm kéo dài từ giữa tháng 9 đến nay.

tygia2023nov8.gif
Biến động lãi suất và tỷ giá. (Nguồn: MB)

Với kết quả đó, chỉ số VN-Index đã vượt qua kháng cự gần nhất tại 1.105 điểm. Đây cũng là lần đầu tiên chỉ số tạo thành công một đỉnh liền sau cao hơn, rõ nét trên đồ thị giá suốt từ giữa tháng 9 đến nay. Các thay đổi này, theo Maybank, là trọng yếu và giúp một lần nữa tạo xác nhận rõ hơn về khả năng tạo đáy thành công tại khu vực 1.030 điểm và xu hướng bắt đầu không còn là giảm.

Theo Maybank, ngưỡng kháng cự tiếp theo của đường giá tại 1.126 điểm và xa hơn tại 1.158 điểm. Hỗ trợ gần nhất điều chỉnh lên mức 1.075 và xa hơn tại 1.030 điểm. 

Các nhà đầu tư có thể tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ với những thay đổi trọng yếu sau phiên 8/11, nên tận dụng các pha rung lắc trong ngắn hạn để thiết lập các vị thế mua mới.

Tuy nhiên, Maybank cũng cho rằng, không loại trừ khả năng sẽ có thể có các rung lắc đan xen để hấp thụ nhu cầu chốt lời ngắn hạn và cũng cần lưu ý về việc đáo hạn phái sinh trong tuần sau có thể tạo ra các sự thận trọng nhất định.

Thanh khoản sáng 9/11 trên thị trường chứng khoán tiếp tục ở mức cao dù chưa thực sự ấn tượng, tới hơn 10h sáng đạt hơn 5.000 tỷ đồng (trên HOSE). Tới 14h chiều, thanh khoản trên HOSE đạt 16.000 tỷ đồng. Sự thận trọng vẫn còn. VN-Index có lúc tăng, lúc giảm nhưng không mạnh.

Với những diễn biến tích cực gần đây, xu hướng đi lên trong dài hạn đã được nhiều người nghĩ tới.

Theo Chứng khoán ACBS, trong ngắn hạn, không có rủi ro nào từ nội tại nền kinh tế trong nước. Tỷ giá và thanh khoản đang đạt điểm cân bằng mới, trong khi kỳ vọng tăng trưởng quý IV tốt hơn quý II. Áp lực từ thị trường quốc tế cũng giảm. Fed không tăng lãi suất lần thứ 2 liên tiếp và có quan điểm trung lập. Đồng USD hạ nhiệt, trong khi thương mại quốc tế có dấu hiệu thoát đáy.

Cũng theo ACBS, định giá thị trường về mức hấp dẫn sau đợt điều chỉnh. Áp lực bán ròng của khối ngoại đã giảm đi đáng kể nếu loại trừ ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu VHM, VIC, VRE, MWG.

Hiện tại, nhiều chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi các nhóm cổ phiếu có động lực tăng trưởng trong năm 2024. Đó là các cổ phiếu liên quan tới quy hoạch trọng điểm như dầu khí thượng nguồn, quy hoạch điện VIII; các luật liên quan tới thị trường bất động sản và nhóm hưởng lợi từ dòng vốn FDI...