Báo chí khó tự giải bài toán kinh phí

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của cơ quan báo chí về khó khăn trong việc đảm bảo nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách từ nguồn ngân sách nhà nước.

Trong Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông; bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách; Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, câu chuyện kinh tế báo chí vẫn đang là bài toán khó. Nguồn thu từ hoạt động quảng cáo và các dịch vụ khác của các cơ quan báo chí đang giảm sút, các cơ quan báo chí đều rất khó khăn, nhất là các cơ quan báo chí được giao tự chủ tài chính Nhóm 1, Nhóm 2 theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 60/2021/NĐ-CP). 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực" diễn ra hồi cuối tháng 11/2022, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm thẳng thắn nhìn nhận: Kinh tế báo chí chưa được chú trọng đúng mức để cơ quan báo chí có thêm nguồn lực tham gia vào quá trình truyền thông chính sách một cách hiệu quả. Công tác quản lý báo chí chủ yếu được coi là việc của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam. Nhiều cơ quan chủ quản gần như buông lỏng, chưa giao nhiệm vụ tương xứng và chưa quan tâm đến việc phải đảm bảo đủ điều kiện, nguồn lực cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ, và chủ động truyền thông chính sách từ cơ quan nhà nước.

Trong khi hoạt động báo chí, cơ quan báo chí luôn gắn với nhiệm vụ truyền thông chính sách, cung cấp thông tin thiết yếu, phục vụ nhiệm vụ chính trị thuộc lĩnh vực quản lý của chủ quản.

Cơ quan báo chí cần được hỗ trợ thêm nguồn lực để có thể tham gia hiệu quả vào quá trình truyền thông chính sách.

Cơ quan chủ quản cần tăng kinh phí cho cơ quan báo chí

Nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí có thêm nguồn lực để đảm bảo hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách, trung tuần tháng 8/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản số 3355. Trong đó đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí căn cứ điều kiện thực tế, xem xét bố trí dự toán giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cơ quan báo chí trực thuộc theo các điều kiện cụ thể hiện hành nhằm tăng cường điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và truyền thông chính sách; bố trí tăng nguồn kinh phí trong năm 2023 và bố trí tăng dự toán kinh phí năm 2024 cho công tác thông tin tuyên truyền đặc thù này.

Các cơ quan chủ quản cần căn cứ các định mức kinh tế - kỹ thuật đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí trực thuộc khẩn trương xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của mình trình cơ quan chủ quản ban hành quyết định định mức cụ thể, để các cơ quan báo chí có thể thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và truyền thông chính sách, đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích được cấp phép và thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Được biết, thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT ngày 30/11/2021 quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử. 

Tại Thông tư số 18, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy định mức hao phí tối đa (về thời gian lao động, khối lượng vật tư và thời gian sử dụng máy móc, thiết bị trực tiếp sản xuất tác phẩm báo in, báo điện tử) để các cơ quan báo chí dựa vào đó xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của mình, trình cơ quan chủ quản ban hành quyết định định mức cụ thể cho cơ quan báo chí phù hợp với điều kiện thực tế về mô hình tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ, trình độ ứng dụng công nghệ, địa bàn hoạt động....

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thì theo khoản 2 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập: “mức chi phí, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá hoặc mức bình quân chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện của 3 năm trước liền kề”.

Phạm Bình Minh, Trần Văn Thường, Lê Diệu Thúy, Nguyễn Xuân Long

Văn Thường và nhóm PV, BTV