Bác sĩ Hải Nguyễn - Trung tâm Y tế, Đại học Loma Linda (Mỹ) chia sẻ về thói quen xấu gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe:
Cố tình trì hoãn đi ngủ đang là thói quen của rất nhiều người. Bạn sẽ không khó để thấy được hình ảnh của mình trong đó.
Sau một ngày bận rộn, bạn rất mệt mỏi và buồn ngủ. Tuy nhiên, ngay cả khi đã lên giường nằm nhưng bạn vẫn không chịu ngủ. Bạn cố thức thêm một khoảng thời gian để đổi lấy các hoạt động giải trí cá nhân như xem tivi, đọc sách, nhắn tin, điện thoại, lướt facebook, zalo, instagram, viber, chơi game... Bạn không đi ngủ vào một giờ hợp lý.
Nếu bạn có thói quen làm điều này, đó có thể là dấu hiệu của "Sự trì hoãn trước khi đi ngủ để trả thù". Bạn "trả thù" cho ban ngày bận rộn của mình bằng cách dành thời gian rảnh rỗi để giải trí vào đêm khuya thay vì nhắm mắt ngủ.
Sự trì hoãn giấc ngủ không phải là mới nhưng xuất hiện ngày càng nhiều trong vài năm gần đây.
Ba yếu tố khiến việc ngủ muộn được coi là trì hoãn giờ đi ngủ:
1. Việc đi ngủ muộn làm giảm tổng thời gian ngủ của một người.
2. Không có lý do chính đáng để thức khuya hơn dự định.
3. Nhận thức rằng việc trì hoãn giờ đi ngủ có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực nhưng vẫn không chịu ngủ.
Nguyên nhân là một số người cố tình bỏ qua việc ngủ để có nhiều thời gian rảnh hơn. Các nhà nghiên cứu có một số giả thuyết giải thích: Có thể bạn là một con cú đêm thích thức khua và sống về đêm. Bạn đang tìm kiếm cách giảm căng thẳng sau một ngày bận rộn. Bạn chat, lướt face, zalo, viber, instagram, chơi game, xem phim... Một số người có xu hướng trì hoãn nói chung, nghĩa là bạn thường xuyên trì hoãn làm những việc quan trọng.
"Sự trì hoãn trước khi đi ngủ để trả thù" có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Trung bình, người lớn cần ngủ khoảng 7 đến 9 giờ mỗi đêm. Trẻ em và thanh thiếu niên cần nhiều hơn. Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ các mối quan hệ, công việc đến khả năng lái xe an toàn.
Người thiếu ngủ ngoài cảm giác mệt mỏi còn có nhiều triệu chứng như: Suy nghĩ chậm hơn, ít chú ý hơn, trí nhớ tệ hơn, có thể ra quyết định sai lầm, căng thẳng, lo lắng và cảm thấy khó chịu, dễ nóng giận, cau có, gay gắt.
Về lâu dài, thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe như bệnh tim, bệnh tiểu đường, béo phì hoặc sụt cân, hệ thống miễn dịch yếu hơn.
Thiếu ngủ còn ảnh hưởng tới các vấn đề liên quan đến hormone, đau nhức một hay nhiều chỗ. Không ngủ đủ giấc, bạn cũng có nguy cơ phát bệnh tâm thần: như trầm cảm, lo âu, thay đổi tính cách... Ngoại hình càng ngày càng xấu và nhìn già trước tuổi, giảm tuổi thọ. Nói một cách ngắn gọn, thiếu ngủ có thể khiến bạn chết sớm vì bệnh tật.
Từ những tác hại trên, bạn nên quản lý tốt giấc ngủ của mình, cố gắng ngủ đủ giấc.
Một số mẹo để ngủ đủ giấc:
- Hạn chế caffeine, thuốc lá và đường, đăc biệt tránh vào ban đêm.
- Hạn chế ngủ trưa nhiều.
- Tạo thói quen thư giãn trước khi đi ngủ. Ví dụ, bạn có thể đánh răng, đọc sách và thực hiện một số động tác giãn cơ nhẹ nhàng. Dù bạn chọn gì, hãy tạo ra thói quen mỗi tối, trong thời gian ngắn.
- Bỏ qua những bữa ăn khuya quá nhiều. Ăn nhiều trước khi đi ngủ có thể khiến bạn bồn chồn và bị trào ngược dạ dày.
- Không uống nước quá nhiều trước khi ngủ, dù uống đủ nước là điều thông minh, nhưng uống nhiều trước khi đi ngủ có thể dẫn đến việc phải đi vệ sinh vào giữa đêm.
- Đi tiểu trước khi đi ngủ để tránh tiểu đêm làm thức giấc, nhất là nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ phì đại tiền liệt tuyến cao.
- Thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần.
- Chuẩn bị phòng ngủ sạch sẽ, êm ái, thoáng đãng. Hãy đặt nhiệt độ phòng mà bạn thích. Giảm độ sáng đèn ngủ hoặc tắt hết đèn. Tắt màn hình các thiết bị điện tử. Nếu phòng ồn quá (ví dụ gần đường lớn), hãy cân nhắc sử dụng ứng dụng tạo các âm thanh êm dịu khác để che giấu tiếng ồn.