Ban Nội Chính Trung ương đang xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trao đổi với PV VietNamNet về nội dung này, PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, kế thừa tư tưởng và tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đặc biệt chú trọng xây dựng và thực hiện đạo đức cách mạng, trong đó có phẩm chất liêm, chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
“Đây là một nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, PGS.TS. Vũ Văn Phúc nói.
Theo ông Phúc, liêm và chính của cán bộ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Sự liêm của cán bộ là gốc rễ, động lực để rèn luyện, là cơ sở cho sự chính, tức là thẳng thắn, đứng đắn, cương trực.
Đào tạo phẩm chất liêm, chính ngay từ nhà trường
Để bảo đảm sự liêm, chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, theo ông Phúc, trước hết phải xác lập cơ sở chính trị - pháp lý cho việc bảo đảm sự liêm, chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó cần cụ thể hóa các tiêu chuẩn của cán bộ để từ tiêu chuẩn chung cụ thể hóa thành tiêu chuẩn của từng chức danh; trong đó coi trọng việc cụ thể hóa các tiêu chuẩn về sự liêm, chính của từng chức danh theo hướng cố gắng định lượng, hạn chế thấp nhất định tính.
PGS.TS. Vũ Văn Phúc lưu ý việc coi trọng các tiêu chí về sự liêm, chính của nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch và của cán bộ trong quy hoạch.
Việc xây dựng quy hoạch cán bộ cần chuẩn bị cho ít nhất 2 nhiệm kỳ (nhiệm kỳ trước mắt và nhiệm kỳ tiếp theo). Nghĩa là chú ý “tạo nguồn gần” và “tạo nguồn xa” phải đảm bảo yếu tố liêm, chính.
"Cần thu hút sinh viên tốt nghiệp các trường đại học đạt loại khá, giỏi, có biểu hiện rõ về sự liêm, chính, có tâm huyết, có nguyện vọng làm việc ở địa phương, cơ quan, đơn vị để “tạo nguồn xa”, bồi dưỡng để đạt đủ các yêu cầu của nguồn cán bộ", ông Phúc gợi mở.
Một vấn đề khác cũng được PGS.TS. Vũ Văn Phúc quan tâm là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của cán bộ về vai trò, tầm quan trọng, những nội dung của sự liêm, chính.
Trong nội dung đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện lồng ghép những nội dung cơ bản về vai trò, tầm quan trọng, các chuẩn mực, biểu hiện cụ thể của sự liêm, chính, đồng thời nhận diện và đấu tranh với những biểu hiện của sự bất liêm, bất chính.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất liêm, chính cho học sinh, sinh viên ngay từ trong nhà trường để họ được bồi đắp tố chất liêm, chính trước khi trở thành cán bộ
Ngoài ra cũng cần thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong quy hoạch để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thực tiễn, góp phần rèn luyện, thử thách phẩm chất liêm, chính trong thực tiễn, nhất là ở những địa bàn khó khăn, phức tạp, nhiều cám dỗ...
Thiết lập khung khổ kiểm soát quyền lực
PGS.TS. Vũ Văn Phúc cho rằng, cần thiết lập khung khổ kiểm soát quyền lực mạnh với các cơ chế, nguyên tắc chặt chẽ và khả thi để bảo đảm việc thực thi liêm, chính.
Trong đó, cần hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực nhằm bảo đảm sự liêm, chính và nghiêm trị những hành vi bất liêm, bất chính.
Đồng thời, cần tiếp tục cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề này thành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trong các quy định về tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động thực thi chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ.
Chẳng hạn như cơ chế đánh giá cán bộ, thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.
Hay như quy định về bảo vệ những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung; kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo không còn xứng đáng với sự giao phó của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cùng với đó là có quy định về kết hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Nhà nước với hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí và nhân dân…
Bên cạnh đó, cần chú trọng điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thông qua các “thể chế mềm”, như quy định, chuẩn mực về “liêm”, “chính” của đội ngũ cán bộ này ở từng lĩnh vực, tổ chức, cơ quan, đơn vị,…
Ông Phúc đề nghị thiết lập các cơ chế kiểm soát quyền lực theo phương châm “từ trên xuống, từ dưới lên, từ trong ra, từ ngoài vào”.
Các cơ chế kiểm soát quyền lực cần được thiết lập theo hướng cấp trên có thể kiểm soát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cấp dưới và ngược lại, cấp dưới có thể kiểm soát hoạt động của cấp trên để kịp thời phát hiện ra những sai lầm, những biểu hiện bất liêm, bất chính của họ và yêu cầu họ sửa chữa, khắc phục.
Đồng thời, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cùng cấp tự kiểm soát lẫn nhau trong quá trình phối hợp thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao và tiếp nhận sự kiểm soát từ phía các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí - truyền thông và nhân dân.
Ngoài ra, PGS.TS. Vũ Văn Phúc cho rằng, cần tạo mọi điều kiện để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không ngừng tự học tập, tự rèn luyện để tăng cường và củng cố sự liêm, chính.
“Bởi không ai có thể làm thay cho từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về bảo đảm sự liêm, chính của họ và giúp họ “miễn dịch” với những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế”, ông Phúc nhấn mạnh.
Từ đó, cán bộ nghiêm túc tự phê bình và phê bình gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng của Bác về sự liêm, chính và thực hành liêm, chính.
Một yếu tố quan trọng khác là tạo môi trường để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phát huy sự liêm, chính của mình trong mọi hoạt động.
"Khi sự liêm, chính của cán bộ được phát huy lại tạo động lực, truyền cảm hứng cho đội ngũ công chức, viên chức và nhân dân, góp phần xây dựng tập thể liêm, chính; xã hội liêm, chính", ông Phúc đúc kết.
Một là, trong sạch, không tham lam, đặc biệt là không tham nhũng, tiêu cực và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Hai là, không tham vọng quyền lực, không dùng thẩm quyền được giao của mình để trục lợi.
Ba là, không sợ gian khổ, hy sinh, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động.
Bốn là, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.
Năm là, có uy tín cao, thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết trong tập thể và trong nhân dân.