Liêm, Chính là phạm trù rất rộng, thuộc về lĩnh vực ý thức tư tưởng, đạo đức, thuộc về phần “người” trong mỗi con người. Ý nghĩa của Liêm, Chính cũng được nghiên cứu, bàn luận ở nhiều góc độ, được cụ thể hóa ở mỗi ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Song, bản chất của Liêm, Chính như Bác Hồ giải thích: Liêm là trong sạch, không tham lam; Chính là không tà, là thẳng thắn, đứng đắn.

Cơ chế không có lỗi

Mục đích của giáo dục Liêm, Chính nhằm xây dựng mỗi công dân thành một người tử tế. Liêm, Chính trở thành văn hóa sống và làm việc của toàn xã hội. Từ cổ chí kim, không chỉ ở phương Đông, mà cả phương Tây cũng rất quan tâm đến giáo dục Liêm, Chính, mặc dù việc định danh có thể không giống nhau.

Và cho đến nay, giáo dục Liêm, Chính vẫn là vấn đề mang tính thời sự. Aristotle - triết gia lỗi lạc của Hy Lạp, ngay từ những năm trước Công nguyên đã bàn về sự “công chính”, cho rằng “công chính” không tự nhiên có mà phải qua một quá trình “tu tập”, trong đó trách nhiệm giáo dục công chính trước hết thuộc về nhà nước.

Dangvien-canbo
Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Ảnh: N.T

Ở Việt Nam, ngay sau khi vừa giành được chính quyền, mặc dù còn bộn bề công việc, nhưng tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định giáo dục Liêm, Chính là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của cách mạng.

Từ đó tới nay, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy định nhằm giáo dục Liêm, Chính cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Văn kiện Đại hội 13 của Đảng đề ra chủ trương “kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí”.

Gần đây, Bộ Chính trị đã ký, ban hành Quy định số 144 ngày 9/5/2024 về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới”.

Phát biểu nhậm chức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định tiếp tục quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.

Tại sao lâu nay chúng ta vẫn không ngừng lo lắng về nguy cơ xuống cấp đạo đức Liêm, Chính của cán bộ, đảng viên? Vấn đề càng trở nên cấp thiết khi vừa qua, nhiều cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao vướng vào tham nhũng, tiêu cực, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Trong chương trình nghị sự của các cơ quan chức năng Trung ương thời gian tới tiếp tục bàn, chỉ đạo về tăng cường giáo dục Liêm, Chính. Có ý kiến cho rằng do cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ.

Thực tế cho thấy, cơ chế không có lỗi. Qua tổng rà soát trên 1.000 lượt văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan trên các lĩnh vực, chỉ có 6% trong số đó có sơ hở, bất cập. Cũng không ít người cho rằng do khách quan, tác động tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường; nhưng kinh tế thị trường có ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Xem ra vấn đề còn nằm ở nhiều phương diện khác.

Nên chăng có chiến lược về giáo dục Liêm, Chính 

Các chuẩn mực đạo đức nói chung, Liêm, Chính nói riêng, chúng ta đã bàn thảo nhiều và định hình tương đối rõ nét, nhưng làm thế nào để đạt được chuẩn mực đó thì lại chưa mạnh mẽ, rõ nét.

Thiết nghĩ, để hình thành đạo đức, cao hơn nữa là văn hóa Liêm Chính trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân “phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Tuy nhiên, qua tổng kết, chỉ riêng đối với công tác giáo dục phòng, chống tham nhũng cho thấy nội dung, hình thức, thời lượng giảng dạy “chưa thực sự phù hợp” với cả người dạy và người học.

Nên chăng phải có một chiến lược về giáo dục Liêm, Chính để thực hiện thực chất, phù hợp từ nhà trường, gia đình đến xã hội, từ mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, từ khi còn nhỏ và suốt quá trình trưởng thành. Trong đó, giáo dục Liêm, Chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là hạt nhân, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.

Cùng với giáo dục là sự “trừng phạt”, ở nhiều cấp độ khác nhau, cao nhất là xử lý theo pháp luật đối với những hành vi vi phạm Liêm, Chính. Nhưng, đạo đức là lĩnh vực tư tưởng, tinh thần, không thể hình thành chỉ bằng “trừng phạt” (sử dụng sức mạnh cứng) mà cần có sự kết hợp hài hòa của sức mạnh mềm, trước hết là sự nêu gương của người lãnh đạo.

Không kém phần quan trọng, Liêm, Chính phải được nuôi dưỡng bằng các điều kiện bảo đảm như: Sự phát triển kinh tế, chế độ, chính sách, lương bổng, môi trường xã hội,…

Điều cốt yếu nhất là ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện Liêm, Chính của mỗi cá nhân, để luôn nhớ điều cấm, giữ giới hạn, làm người trong sạch, làm việc trong sáng, trọng liêm sỉ, bất luận hoàn cảnh nào cũng không ham hố vật chất, quyền lực, biết xấu hổ khi bản thân và người thân vi phạm.

Các biện pháp để xây dựng Liêm, Chính phải có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp nhưng không thể làm xong việc này mới đến việc khác, mà phải có sự đồng bộ nhất định.

Chặng đường xây dựng văn hóa Liêm, Chính không đơn giản, càng không thể làm một lần; đòi hỏi phải có quyết tâm cao, bởi đó không chỉ là lối sống, cách ứng xử của mỗi con người, mà còn là hồn cốt của dân tộc, là chỉ số về chất lượng phát triển và sức mạnh mềm của quốc gia.

Thế nào là một cán bộ, đảng viên có đạo đức?

Thế nào là một cán bộ, đảng viên có đạo đức?

Những yêu cầu đạo đức về ý thức và thái độ xác lập thế giới quan, tư duy cho mỗi cán bộ, đảng viên. Ở chiều ngược lại, nền tảng tư duy lại trở thành bệ đỡ cho hành động của cán bộ, đảng viên trước những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn.