Đồng loạt tổ chức giới thiệu công khai

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư, thời gian vừa qua, các bộ, ngành và tỉnh thành đồng loạt tổ chức Hội nghị giới thiệu cán bộ nguồn, những đảng viên ưu tú cho nhiệm kỳ tới, bao gồm uỷ viên chính thức và uỷ viên dự khuyết.

Việc tiến hành giới thiệu căn cứ vào Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ; Kế hoạch số 17-KH/TW ngày 07/7/2023 của Bộ Chính trị; Công văn số 119-CV/BCĐ ngày 17/7/2023 của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Từ đầu tháng 8 đến nay, các tỉnh Bắc Kạn, Hà Nam, Lâm Đồng, Trà Vinh, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Quân uỷ TW đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt để thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031.

Trước đó, các bộ Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường, Công Thương, Ủy ban Dân tộc, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, và các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Yên Bái…cũng đã lần lượt tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.

Là một trong những địa phương hoàn thành quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031, Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giới thiệu, xây dựng, tạo nguồn cán bộ cho Trung ương vì vậy tỉnh đã đã tiến hành các bước một cách chặt chẽ, chắc chắn, công khai và minh bạch.

Tại Vĩnh Phúc, công tác này cũng được thực hiện theo quy trình 4 bước với việc lựa chọn những nhân sự thực sự tiêu biểu, có thành tích công tác nổi trội và triển vọng phát triển tốt. Có 3 cán bộ đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện giới thiệu nhân sự quy hoạch Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng chính thức; không có nhân sự đủ tiêu chuẩn giới thiệu quy hoạch ủy viên dự khuyết.

Tổ chức triển khai công việc này, Hải Dương công bố đã lựa chọn giới thiệu 1 nhân sự đủ điều kiện để giới thiệu quy hoạch tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV với số phiếu tập trung cao.

Trong khi đó, Hà Nam giới thiệu 3 nhân sự (chính thức và dự khuyết) quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV để tiếp tục quy trình xin ý kiến…

Việc giới thiệu cán bộ lần này đã căn cứ vào Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Theo đó, Ủy viên Trung ương phải tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; có ý thức, trách nhiệm cao, kiến thức toàn diện; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương.

Đây cũng là người có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công quản lý, phụ trách.

Ủy viên Trung ương cần có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ; có khả năng làm việc độc lập; có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương.

Ủy viên dự khuyết Trung ương phải là những cán bộ trẻ; cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn của Ủy viên Trung ương.

Các cán bộ này qua thực tiễn công tác cần thể hiện có năng lực, triển vọng phát triển về tố chất lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; được quy hoạch chức danh Ủy viên Trung ương và lãnh đạo chủ chốt tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về công tác cán bộ

Chính Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ hồi tháng 5 vừa qua của Đảng là cơ sở là căn cứ để giới thiệu cán bộ. Phát biểu bế mạc Hội nghị Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 14 nhiệm kỳ 2026-2031; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội 14 của Đảng.

Bài học nào cần rút ra để công tác cán bộ hiệu quả?

Nói về công tác cán bộ, trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương Tháng 12/2018, TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân không đủ tiêu chuẩn".

Đánh giá đúng cán bộ, bố trí đúng người, đúng việc sẽ tạo nên sức mạnh mới, làm chuyển biến “về chất” trong hoạt động thực tiễn.

Việc đánh giá cán bộ được thực hiện thông qua nhiều kênh, nhiều nguồn, nhiều tiêu chí khác nhau, trong đó có một kênh quan trọng là dựa vào dân.

Nói một cách khách quan và thực tế, công tác cán bộ trong nhiệm kỳ vừa qua có chất lượng chưa cao. Nhiều Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương bị kỷ luật, nhiều cán bộ giữ chức chủ chốt ở Trung ương và địa phương vướng vào vòng lao lý.

Trong giai đoạn 2012-2022, đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương.

Báo cáo mới nhất tại Hội nghị của Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham những lần thứ 24 cho biết: từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII).

Công tác cán bộ có quy trình rất chặt chẽ. Ban Tổ chức (ở Trung ương), tổ chức cán bộ (ở địa phương) là nơi tham mưu về công tác cán bộ, nơi giới thiệu, nơi tìm nguồn; và cấp uỷ mới là nơi có quyền quyết định. Ở Trung ương là Bộ Chính trị, Ban bí thư; ở địa phương là cấp uỷ các cấp.

Chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới, các nhân sự cấp bộ, ngành và địa phương được cấp ủy tổ chức giới thiệu. Ban Tổ chức Trung ương có vai trò quan trọng trong việc tham mưu song cũng phải tôn trọng ý kiến cấp uỷ cơ sở. Một bí thư tỉnh uỷ dẫu có dư luận nhưng khi đã được cấp uỷ giới thiệu đều phải được tôn trọng.


Thực tế đã có nhiều bài học đau xót trong việc lựa chọn cán bộ. Một bí thư tỉnh uỷ mới bầu đã bị xử lý hình sự, một đại biểu quốc hội mới bầu đã bị bãi nhiệm. Bình Dương, Hải Dương là những thí dụ điển hình. Bí thư Bình Dương vừa mới trúng đại biểu quốc hội đã phải xoá tư cách vì vướng vào vòng lao lý. Bí thư Hải Dương vừa cơ cấu vào trưởng ban phòng chống tham nhũng tiêu cực thì cũng lại vướng vào vòng lao lý. Bài học nào cần rút ra từ những trường hợp này?

Như vậy, cần quy định rõ trách nhiệm trong việc giới thiệu và đảm bảo chất lượng cán bộ. Ai phải chịu trách nhiệm, khâu nào phải chịu trách nhiệm khi có cán bộ yếu kém, không tương xứng, có vi phạm, khuyết điểm, cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ?

Việc giới thiệu của các cấp uỷ địa phương của bộ, ngành là bước đi từ cơ sở, từ gốc song có những hạn chế riêng vì nếu là người đứng đầu nếu còn trong độ tuổi trong cơ cấu thì dẫu có khuyết điểm rất khó để cấp dưới gạch bỏ, không tín nhiệm.

Minh chứng là thời gian vừa qua, khi kỷ luật một tổ chức đảng bao giờ cũng là cả cụm cán bộ. Điều đó đặt ra câu hỏi về kết quả tín nhiệm ở chính tổ chức đó.

Thực tế đó đòi hỏi, cần tăng cường cơ chế để Trung ương nghe được tiếng nói của dân; cần tiếp tục nâng cao cơ chế lắng nghe, tiếp thu dư luận, ý kiến nhân dân trong công tác cán bộ.

Bởi ở nước ta, những gì Đảng làm là làm cho dân vì lợi của Đảng không có gì khác ngoài phụng sự cho lợi ích của nhân dân; việc Đảng cũng là việc của dân. “Dân biết cả đấy”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói. Khi dân ủng hộ, khi dân tín nhiệm, khi dân tham gia chắc chắn việc gì Đảng đề ra cũng sẽ thành công.

Nguyễn Đăng Tấn

Cán bộ sợ trách nhiệm vì đâu?Nếu thấu hiểu sự bất cập của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành và đặt nó trong bối cảnh hàng loạt quan chức phải vào tù vì tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" sẽ lý giải được vì sao cán bộ sợ trách nhiệm.