- Một con cá lên mâm người dân có đến 5 bộ tham gia. Việc pháp luật quy định không rõ thẩm quyền sẽ khó giám sát trách nhiệm.
Tại tọa đàm về dự thảo đoạt động giám sát của QH và HĐND do Văn phòng QH tổ chức hôm nay, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội QH Đỗ Mạnh Hùng đánh giá cao việc dự thảo luật có thêm “thao tác” cực kỳ quan trọng là xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.
“Nhiều khi pháp luật quy định không rõ thẩm quyền. Ví dụ về vệ sinh an toàn thực phẩm, một con cá lên mâm người dân có đến 5 bộ tham gia. Cùng với luật này, còn phải làm rõ thẩm quyền trong các luật khác, từng địa chỉ tổ chức, cá nhân”, ông Đỗ Mạnh Hùng nêu.
Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội QH Đỗ Mạnh Hùng. Ảnh: Chung Hoàng |
Ông cũng cho hay, nguyên tắc số một trong giám sát là đúng pháp luật.
"Nói thì hay nhưng trong nhiều nội dung giám sát không dễ, vì pháp luật còn tình trạng luật khung ống, sửa đổi bổ sung nhiều. Vì thế cũng cần rà soát cho đồng bộ pháp luật”, ông Hùng nhấn mạnh.
Một điều Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội QH băn khoăn liệu các đại biểu dân cử có được giám sát các cá nhân vì ở cấp địa phương, HHĐND cần thiết phải giám sát các cá nhân như Chủ tịch UBND, các thành viên của UBND, các GĐ sở.
Hay có khúc mắc ĐB địa phương này không được giám sát vấn đề ở các địa phương khác, dù nhận được đơn thư của cử tri địa phương khác. Như vậy không cẩn thận, các ĐB có thị bị đánh giá là “lấn sân, vượt rào”.
Tất cả ngồi im có nên?
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận xét ĐBQH không được chất vấn các lãnh đạo và cơ quan địa phương là bất cập.
“Hiện nay địa phương nào do đoàn ĐBQH địa phương đó giám sát. Thực tế, có những quyết định của chính quyền tỉnh có biểu hiện vi phạm nghiêm trọng, ví dụ cho nước ngoài thuê rừng, cấp phép xây dựng ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng… Báo chí đã lên tiếng, cử tri cả nước đã biết và rất bức xúc, nhưng đoàn ĐBQH tỉnh đó mãi không lên tiếng. Họ không lên tiếng thì các đoàn ĐB khác cũng ngồi im, tất cả ngồi im”, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng giám sát, chất vấn không nên có hạn chế ở cấp địa phương.
Luật sư TP.HCM cũng cho rằng ĐB là đại diện cho cử tri, nhân dân thì có quyền chất vấn bất cứ ai, trong đó có các Chủ tịch UBND các địa phương.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Chung Hoàng |
Ông Trương Trọng Nghĩa cũng kiến nghị xem xét lại khái niệm về “bí mật nhà nước”.Theo quy định thì chủ thể giám sát không được tiếp cận những tài liệu thuộc bí mật nhà nước, nhưng quy định khái niệm này mênh mông quá, không rõ sẽ triệt tiêu luôn quyền giám sát của ĐB, các cơ quan chỉ cần lấy lý do bí mật là từ chối cung cấp thông tin được.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) quan tâm sau một thời gian nhất định nếu không thực hiện kết luận giám sát thì bị xử lý ra sao và mong muốn trong công tác giám sát được tiếp xúc trực tiếp với người dân nhiều hơn để nghe được nhiều thông tin chân thực.
Phó đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Nam cho hay, sau giám sát, các ĐBQH không chọn mục đích phải xử lý được ai, thu lại được bao nhiêu tài sản, mà quan trọng hơn là tác động để thay đổi, chuyển biến các cấp lãnh đạo ở địa phương.
Ông Lê Nam chia sẻ yêu cầu ĐB dân cử phải được quyền giám sát, chất vấn bất cứ cá nhân lãnh đạo cấp địa phương nào.
Chung Hoàng