Trong tác phẩm, tác giả viết về vai trò của nhạc - văn trong tín ngưỡng hầu bóng, được Lê Y Linh đúc kết từ hơn 40 năm gặp gỡ, đàm đạo, trao đổi với các đồng nghiệp, giáo sư, nhà nghiên cứu, đệ tử, cung văn… 

Cuốn sách kể câu chuyện lịch sử trăm năm của tín ngưỡng hầu bóng và nghệ thuật hát văn, đồng thời là bộ sưu tập với hàng trăm bài hát chưa công bố của một trong những “cây đại thụ” trong làng nhạc văn, hầu bóng - nghệ nhân Phạm Văn Kiêm. Những di sản ông để lại đã trở thành nguồn tư liệu quý giá về nhạc văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

W-z5408977779934-2aaf3d2f812b7b69a75ffaa446b3faa6-1.jpg
Tác giả Lê Y Linh (áo dài màu cam) chia sẻ tại lễ ra mắt cuốn sách.

Tại lễ ra mắt sách, tác giả Lê Y Linh - con gái nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ: "Không có văn sẽ không có tín ngưỡng, không có nhạc sẽ chẳng còn văn. Đọc văn mà không được nghe nhạc, cũng không thể hiểu, nghe nhạc mà không biết lễ, cũng chẳng đến nơi. Người nghiên cứu như tôi chỉ kỳ vọng tìm được mật mã của nhà đạo nhưng luôn luôn vẫn chỉ thấy mình như một 'thầy bói xem voi'".

Tác giả khẳng định, cuốn sách là độc bản của nghệ thuật hát văn và tín ngưỡng hầu bóng.

Trong khi đó, nhà sưu tầm văn cổ Ngô Nhật Tăng nhận xét cuốn sách Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn của tác giả Lê Y Linh như một từ điển thu nhỏ về hát văn.

W-z5407646071090-fdf69cfe557fec3661975125286fe131-1.jpg

Cuốn sách Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn chia thành hai phần. Phần một, tác giả đào sâu về ngôn ngữ âm nhạc và cấu trúc thực hành hầu bóng. Phần hai, tác giả cùng cộng sự sưu tầm và công bố di cảo gần 200 bản văn cổ của nghệ nhân Phạm Văn Kiêm. Phần di cảo này đã được nhà sưu tầm văn cổ Ngô Nhật Tăng tổ chức chú giải chi tiết với sự hỗ trợ chuyên môn của hai nhà Hán Nôm học Lê Phương Duy và Kim Trung Linh (Bùi Quốc Linh).

Ngoài ra, các bản văn của nghệ nhân Phạm Văn Kiêm còn được đối chiếu với những bản văn cổ xuất bản bằng chữ quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX, một giai đoạn then chốt trong sự biến đổi của thực hành tín ngưỡng.