Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Đỗ Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã SHS) vừa hoàn tất mua vào 5 triệu cổ phiếu SHS trong khoảng thời gian từ ngày 12-27/3 theo phương thức khớp lệnh.
Sau giao dịch, ông Đỗ Quang Vinh đã nâng tỷ lệ sở hữu tại SHS từ 0,92% lên 1,54% vốn điều lệ, tương đương 12,5 triệu cổ phiếu.
Nếu tính giá khoảng 19.000 đồng/cp trong thời gian giao dịch nói trên, ước tính ông Vinh đã chi ra khoảng 95 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu SHS đã tăng 10% trong vòng một tháng qua và tăng gấp 2 lần so với thời điểm cách đây một năm.
Trong năm 2023, SHS ghi nhuận lợi nhuận sau thuế tăng 3,4 lần so với năm 2022 lên 559,3 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận diễn biến tích cực, nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh và lên vùng đỉnh lịch sử như: Bán lẻ FPT (FRT), Thế Giới Di Động (MWG), FPT, Tập đoàn Hòa Phát (HPG)...
Đây đều là những cổ phiếu nằm trong danh mục đầu tư của Chứng khoán SHS.
Không chỉ SHS, nhiều công ty chứng khoán khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, lợi nhuận tăng bằng lần trong năm 2023.
Chứng khoán SSI của ông Nguyễn Duy Hưng ghi nhận lợi nhuận tăng gần 1,4 lần so với năm 2022, lên 2.294 tỷ đồng; Chứng khoán VNDirect (VND) của Chủ tịch Phạm Minh Hương tăng gần 1,5 lần, lên 2.018 tỷ đồng...
Khả năng trong quý I/2024, nhiều công ty chứng khoán sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ trong bối cảnh giá cổ phiếu tăng cao trên diện rộng kể từ cuối năm 2023 và thanh khoản trên thị trường cũng tăng vọt, thường xuyên ở ngưỡng trên tỷ USD/phiên.
'Ông lớn' chứng khoán dồn dập tăng vốn, đón đầu cơ hội lịch sử
Động thái nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Đỗ Quang Vinh tại Chứng khoán SHS diễn ra trong bối cảnh ngành chứng khoán có nhiều triển vọng lớn trong năm 2024, khả năng lớn hệ thống giao dịch công nghệ Hàn Quốc KRX được đưa vào hoạt động cũng như cơ hội thị trường chứng khoán được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.
Cũng trong bối cảnh này, nhiều công ty chứng khoán đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn nhằm đón đầu một đợt thanh khoản lớn trên thị trường, không chỉ mở rộng đầu tư mà còn cho vay ký quỹ.
Sắp tới, vào phiên họp cổ đông đầu tháng 4 tới, Công ty Chứng khoán Vietcap (VCI) sẽ trình kế hoạch phát hành thêm hơn 280 triệu cổ phiếu, đưa vốn điều lệ vượt 7.000 tỷ đồng. Vietcap cũng phát hành cổ phiếu chương trình lựa chọn cán bộ nhân viên (ESOP), ước tính số tiền thu về khoảng 2.400 tỷ đồng.
Chứng khoán Nhất Việt (VFS) dự kiến phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn lên 2.400 tỷ đồng trong năm nay. Chứng khoán Guotai Junan sẽ bán hơn 69 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên gấp đôi.
Trước đó, vào cuối năm 2023, ông lớn Chứng khoán SSI (SSI) đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông thông qua phương án phát hành 453 triệu cổ phiếu, nâng quy mô vốn lên gần 20.000 tỷ đồng.
Thị trường cũng ghi nhận những tín hiệu nhiều công ty chứng khoán khác rục rịch tăng vốn vài trăm tỷ đồng như: FPTS, ACBS.
Các công ty chứng khoán gia tăng quy mô vốn trong bối cảnh hệ thống giao dịch công nghệ Hàn Quốc KRX có thể sẽ sớm được đưa vào giao dịch. Hệ thống này đã được kiểm thử nhiều lần và được kỳ vọng sẽ hoạt động từ đầu tháng 5.
Triển vọng của thị trường chứng khoán cũng tích cực trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức khá so với khu vực. Thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu hồi phục từ đáy. Đặc biệt, lãi suất tiền gửi ngân hàng đang ở mức thấp kỷ lục, quanh mức 1,7-4%/năm và lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vẫn rất thấp, có lúc xuống dưới 1%/năm.
Thị trường bất động sản được dự báo chưa bứt phá và thị trường vàng quá nóng,... có thể khiến dòng tiền tìm đến kênh chứng khoán.
Vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán cũng được giới đầu tư và các công ty chứng khoán quan tâm. Gần đây, Chính phủ cho thấy nỗ lực rất lớn trong việc hỗ trợ đáp ứng các điều kiện để có thể đưa thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng cận biên lên mới nổi. Khi đó, dòng vốn ngoại được dự báo sẽ đổ mạnh vào Việt Nam.