Cổ phiếu lúa gạo gần đây thành tâm điểm hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán, trong đó VSF của của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) là điểm sáng lớn nhất khi thị giá tăng vọt gần 5 lần chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng. 

Lãi đậm bằng lần

Trước đó, VSF là một trong các cổ phiếu có thanh khoản "bèo bọt" trên thị trường do ít nhà đầu tư quan tâm, khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu, thậm chí có những giao đoạn mã chứng khoán này không có giao dịch.

Tuy nhiên, khi nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đến việc xuất khẩu gạo của Việt Nam hưởng lợi do nguồn cung trên thế giới thắt chặt, cổ phiếu VSF nhanh chóng được nhắc tên bởi là doanh nghiệp có lợi thế hàng đầu trong ngành lương thực nước nhà. 

Từ mức giá chỉ quanh 8.000 đồng/cp hồi cuối tháng 7, VSF đã nhanh chóng leo lên mức đỉnh lịch sử hơn 40.000 đồng/cp, trước khi bị điều chỉnh nhẹ theo thị trường về còn 38.800 đồng/cp trong phiên giao dịch gần nhất. 

Giá trị vốn hóa của công ty xuất khẩu gạo ở miền Nam này theo đó tăng vọt lên khoảng 20.000 tỷ đồng, tạo ra những khoản "lãi ước tính" hàng nghìn tỷ đồng cho cổ đông, nhất là các cổ đông lớn. 

Hiện tổng công ty này có 500 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tương đương vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cổ đông lớn nhất chiếm đến 51,43% vốn, Tập đoàn T&T nắm giữ 25% cổ phần, còn lại là cổ đông nhỏ lẻ.

Khi Vinafood 2 thực hiện cổ phần hóa vào đầu năm 2018, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển đã tham gia đấu giá để trở thành nhà đầu tư chiến lược khi mua vào 125 triệu VSF. Số tiền tập đoàn này chi ra hơn 1.200 tỷ đồng, tương ứng trả giá 10.100 đồng cho mỗi cổ phiếu. 

Tỷ lệ cổ phần của T&T đến nay vẫn không thay đổi, tuy nhiên giá trị cổ phần lại tăng vọt. Từ số vốn bỏ ra 1.200 tỷ đồng ban đầu, khoản đầu tư của bầu Hiển tại VSF đang trị giá 4.850 tỷ đồng, tức tạm ghi nhận khoản lãi hơn 3.600 tỷ đồng.

Vinafood 2 là khoản rót vốn lớn đầu tiên trong lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo của T&T. Trước đó, tập đoàn của bầu Hiển cũng có những khoản đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, rau quả và vật tư nông nghiệp. 

Dần phục hồi sau nhiều năm bết bát

Vinafood 2 tiền thân là Tổng công ty lúa gạo Miền Nam được thành lập năm 1976. Hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên từ năm 2010 và chính thức chuyển đổi theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2018 đến nay.  

Trong hơn 45 năm hoạt động, tổng công ty đã trở thành một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn trên thế giới với mức chế biến và xuất khẩu bình quân hàng năm đạt khoảng 2,8-3 triệu tấn gạo. Kim ngạch xuất khẩu một số năm đạt trên 1 tỷ USD, góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ lương thực hàng hóa cho nông dân; phát triển thị trường nội địa, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Mặc dù có vị thế cao trong chuỗi giá trị ngành gạo VIệt Nam, kết quả kinh doanh của Vinafood 2 lại tỏ ra thiếu hiệu quả, nhất là giai đoạn sau cổ phần hóa (sau 2018) do những vấn đề của giai đoạn quản lý cũ để lại. Doanh nghiệp tiếp đà lỗ lớn hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng sau đó. 

Sang năm 2022, với loạt tin vui cho ngành lúa gạo, hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 cũng dần có những chuyển biến tích cực, bước ngoặt lớn nhất là công ty lần đầu tiên có lãi sau khi thực hiện cổ phần hoá. 

Theo báo cáo tài chính bán niên 2023, tổng công ty tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan với doanh thu 11.340 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 10 tỷ đồng, cao hơn lần lượt 60% và 100% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Giải trình về hoạt động kinh doanh khởi sắc, lãnh đạo Vinafood 2 cho biết đã đẩy mạnh tái cơ cấu bộ máy, thực hiện tiết giảm các khoản chi phí, theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường và kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh. 

Song vẫn phải lưu ý rằng, tổng công ty này vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng do giai đoạn trước để lại. Đáng kể nhất là con số lỗ lũy kế đến giữa năm nay vẫn còn hơn 2.800 tỷ đồng, là một trong những doanh nghiệp có lỗ lũy kế lớn trên thị trường chứng khoán. 

Tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 8.800 tỷ đồng, trong đó phần lớn là giá trị hàng tồn kho với hơn 3.000 tỷ đồng. Về phía nguồn vốn, công ty xuất khẩu gạo này đang ghi nhận tổng giá trị vay nợ tài chính tăng vọt lên 4.264 tỷ đồng (đầu năm là 2.560 tỷ đồng). 

Tập đoàn T&T của bầu Hiển đang kinh doanh đa ngành trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, dịch vụ, bán lẻ, cảng biển, giao thông, y tế, thể thao...

Trong đó lĩnh vực nông nghiệp ghi nhận các công ty thành viên lớn như Vinafood 2, Tổng công ty Lâm Nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tổng công ty Rau quả Nông sản (Vegetexco), Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Việt Nam (Vigecam), Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Cuộc sống Xanh T&T (T.Vita).