Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Hoàng Kiều, con ông Trần Bắc Hà, gia đình cựu thứ trưởng Thoa,... là những cái tên được nhắc tới trong dòng chảy kinh tế và hoạt động của các doanh nhân tuần qua.
Con trai ông Trần Bắc Hà từ chức
Ông Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà - cựu chủ tịch Ngân hàng BIDV rút lui khỏi Cảng Quy Nhơn sau thời gian ngắn làm sếp lớn tại doanh nghiệp quê nhà.
Ông Tùng (1985) trở thành thành viên HĐQT tạm thời thay cho ông Trần Tuấn Nghĩa hồi giữa năm 2016. Ông rút lui khỏi Cảng Quy Nhơn khoảng hơn 1 tháng, sau khi xuất hiện tin đồn cha mình bị bắt.
Trước đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ đã yêu cầu thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn bởi có dấu hiệu thất thoát tài sản nhà nước tại đây.
Hoàng Kiều mất ngôi người Việt giàu nhất thế giới
Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng thêm 1 tỷ USD trong vòng 4 tháng, vượt qua đại gia Hoàng Kiều trở thành người Việt giàu nhất thế giới. Theo Forbes, tính tới 7/11/2017, tổng giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng (49 tuổi) là 3,4 tỷ USD, tăng tròn 1 tỷ USD so với trong bảng xếp hạng của tạp chí này hồi tháng 3/2017, và lọt top 700 người giàu nhất trên thế giới.
Ông Phạm Nhật Vượng |
Còn ông Hoàng Kiều (73 tuổi) có khối tài sản trị giá 2,8 tỷ USD, so với 3,8 tỷ USD hồi cuối tháng 9/2015. Lý do là bởi cổ phiếu hãng sản xuất huyết tương Shanghai RAAS Blood Products của doanh nhân Việt kiều này giảm mạnh sau cú tăng dữ đội đợt IPO đầu 2014.
Nhà cựu Thứ trưởng kiếm thêm hàng triệu USD
Gia đình nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (đang nắm tổng cộng khoảng 36% vốn điều lệ của DQC, tương đương hơn 12 triệu cổ phiếu) chứng kiến túi tiền tăng thêm khoảng 64 tỷ đồng (gần 3 triệu USD).
Bà Thoa hiện trực tiếp nắm giữ gần 5,3% cổ phần DQC. Theo báo cáo quản trị 2016, nhiều thành viên khác trong gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa đang nắm cổ phần và giữ nhiều vị trí quan trọng. Ông Hồ Quỳnh Hưng (em trai bà Thoa) là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc; bà Nguyễn Thái Nga (con gái bà Thoa) là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc; bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê (con gái bà Thoa) là Giám đốc Ban dự án của công ty này.
Tỷ phú Facebook |
Ông chủ Facebook tham quan vịnh Hạ Long?
Người sáng lập Facebook, ông Mark Zuckerberg, dự kiến đi thủy phi cơ đến Hạ Long, sau đó đi du thuyền ra vịnh. Đây là lần thứ hai ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đến Việt Nam. Năm 2011, ông và vợ cùng 4 người bạn đã đi du lịch Sapa (Lào Cai).
Mark đã yêu cầu mượn 9 con trâu để cả nhóm cưỡi đi dạo quanh suối bản Hồ - Sapa. Hình ảnh Mark Zuckerberg cưỡi trâu nhanh chóng được lan truyền trên toàn thế giới.
Nữ 'đại gia' chiếm đoạt hàng nghìn m2 đất biệt thự
Phan Thúy Mai (SN 1961, ở TP.HCM) - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Cty CP Đầu tư và du lịch An Phát, lĩnh án 16 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tại tòa, nữ giám đốc khai sau khi đứng tên 2 nền đất, Mai mang 5.000m2 đi cầm cố tại Ngân hàng Đông Á được 28 tỷ đồng. Do không được trả nợ nên Ngân hàng Đông Á đã bán đất cho Cty thu mua nợ VAMC thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Số 1.500m2 đất còn lại, bà Mai cũng mang đi cầm cố tại một ngân hàng nhưng đã tất toán, lấy sổ đỏ về. Tuy nhiên, sổ đỏ thửa đất này đã bị thất lạc.
Trả lời HĐXX, Phan Thúy Mai cho rằng hành vi chuyển 2 sổ đỏ nói trên sang tên mình không gây thiệt hại cho các cổ đông khác của Cty An Phát. Nữ giám đốc cũng phủ nhận việc “bôi trơn” để được UBND xã Đại Thịnh ký chứng thực.
'Nữ hoàng lục bình' ở miền Tây bị đề nghị truy tố
VKSND tỉnh Sóc Trăng cho biết nơi đây đã nhận được kết luận từ cơ quan điều tra (CQĐT) cùng cấp về vụ án hình sự xảy ra tại Trung tâm Khuyến công (TTKC) tỉnh Sóc Trăng.
Bà Bích gắn bó với nghề đan đát bằng nguyên liệu lục bình. |
Bà Bích (Chủ nhiệm HTX Ngọc Bích) Bích bị cáo buộc ký hợp đồng mở 6 lớp dạy nghề nhưng chỉ mở 1 lớp ở Vĩnh Châu; 5 lớp còn lại chỉ khai giảng 2 lớp nhưng sau đó không dạy, 3 lớp không thực hiện mà nhận 17,6 triệu đồng.
Đây là vụ án kéo dài nhiều năm, Công an Sóc Trăng khởi tố từ tháng 7/2009. Khi vụ án xảy ra, người dân miền Tây gọi bà Bích là "nữ hoàng lục bình" vì từ một ít tiền lương hưu của cha mà người phụ nữ này gây dựng được HTX thủ công mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm cho hơn 8.000 lao động nhiều tỉnh miền Tây.
Hai đại gia ngân hàng trước vành móng ngựa
TAND TP Hà Nội đưa các bị cáo: Tạ Bá Long (SN 1955, quê Ninh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT GPBank); Đoàn Văn An (SN 1958, quê Hải Dương, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT GPBank) và một số đối tượng khác ra xét xử tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, năm 2009 và 2010, để có tiền tăng vốn điều lệ của GPBank theo quy định từ Chính phủ và để có tiền sử dụng vào những việc khác, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã sử dụng 3 "công ty sân sau" của mình (công ty Thành Trung, công ty Đại Lải và công ty Chí Linh) phát hành 3.380 trái phiếu bán cho công ty Tài chính Cổ phần Điện Lực (EVNFinance), thu về 3.380 tỷ đồng.
Đến nay, gia đình Tạ Bá Long đã bán tài sản khắc phục cho GPBank được hơn 864 tỷ đồng; gia đình Đoàn Văn An đã bán tài sản khắc phục hậu quả được hơn 83 tỷ đồng.
Do vắng mặt một số bên liên quan, phiên tòa đã phải tạm hoãn.
Đổi ô tô tiền tỷ mua 4 cây mộc hương trăm tuổi
Ông Lê Minh, một đại gia cây cảnh có tiếng ở Sapa (Lào Cai) đã vác cả bao tải tiền và đổi ngang chiếc xe ô tô để mua được 4 cây mộc hương cổ thụ tuổi đời trên 100 năm. Chưa kể, trong suốt 3 năm trời, ông mất bao công sức đi lại mới được chủ nhân của chúng gật đầu đồng ý bán.
Đó là chiếc xe Toyota Highlander đời 2010, khi ông mua là 2,5 tỷ, còn lúc đổi thì giá trị xe tầm 1,2 tỷ đồng. hư vậy, tổng giá trị của 4 cây mộc hương lên tới gần 4,5 tỷ. Trong đó, có một cây mộc hương cổ thụ 120 tuổi thân cao tới 6m, tán rộng 4m được ông mua với giá 1,6 tỷ. Ba cây còn lại thì một cây giá 1,2 tỷ, một cây 960 triệu và một cây hơn 620 triệu.
Bộ bàn ghế 'vua gỗ' giá gần 2,5 tỷ đồng
Bộ bàn ghế có tên Đỉnh Nghê, được làm từ gỗ Mun hoa của Lào có giá gần 2,5 tỷ đồng của một đơn vị ở Sơn Tây - Hà Nội khiến nhiều người giật mình. Với 12 món gồm 1 đoản dài, 4 ghế đơn, 1 bàn to, 4 bàn trà và 2 đôn, bộ Đỉnh Nghê được sản xuất khoảng 5 năm nay, nhưng chủ yếu dùng để trưng bày, làm kỉ niệm.
Cũng theo vị này, nếu cùng kiểu dáng nhưng sản xuất từ gỗ hương thì có giá 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
Bảo Anh (Tổng hợp)